Cần áp thuế nylon cao đối với người tiêu dùng để chống rác thải nhựa

Ngọc Linh (t/h)|15/11/2019 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nilon thuộc diện chịu thế cao nhất đang là 50.000 đồng/kg – mức cao nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế người tiêu dùng.

Ngày 14/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm ” Tuyên chiến với rác thải nhựa”.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 – 7 túi nilon/ngày sẽ có hàng triệu nilon được sử dụng và thải ra môi trường. Thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Điều đáng lo là, mỗi năm ước tính có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người qua mỗi năm đã tăng từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990-2018.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, trong đó giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Hưởng ứng phong trào, nhiều bộ, ngành, đơn vị tiên phong “nói không với rác thải nhựa”.

Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại nhiều hội nghị, hội thảo; phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nilon” kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần”. Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố…

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Một số cửa hàng nước giải khát không phục vụ ống hút nhựa đi kèm, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

Để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong phong trào chống rác thải nhựa, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng thị trường lành mạnh.

Chính phủ đã làm việc với các đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị – xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi. Mức thuế hiện được nâng lên cao nhất trong khung chịu thuế là 50.000 đồng/kg với nhà sản xuất, tuy vậy vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng. Việt Nam đang xây dựng kinh tế tuần hoàn trong từng khu dân cư, từng doanh nghiệp, từng khu công nghiệp và trong cả cộng đồng.

Để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, cần phải nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, tiến tới cấm sử dụng túi nilon dùng một lần.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần áp thuế nylon cao đối với người tiêu dùng để chống rác thải nhựa