Cần Thơ: Nghịch lý phố ngập mênh mông, ruộng đồng không có nước

Bích Thuần (t/h)|07/12/2018 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Sáng 7.12, kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông Phạm Văn Hiểu – Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ nêu một nghịch lý rằng: “Tôi đi cơ sở, trong khi ở đô thị ngập mênh mông, thì ở ruộng đồng lại không có nước”.

>>> Thiên tai gây thiệt hại khoảng 9 nghìn tỷ đồng

>>>Tổng thư ký LHQ: Thế giới “đang đi chệch hướng” khỏi kế hoạch ngăn cản biến đổi khí hậu

Toàn cảnh kỳ họp HĐND TP.Cần Thơ. Ảnh P.V

Sáng 7.12, kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn. Nhiều câu được các đại biểu đặt ra. Trong đó, có ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình trạng ngập nghẹt đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. TP có những giải pháp gì?

Ông Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trước đây, tình trạng triều cường gây ngập chỉ tác động trực tiếp đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017, khi đỉnh lũ ở thượng nguồn đạt 2,03m đã bắt đầu tác động đến đô thị.

Đến ngày 10.10 vừa qua, mức triều ở Cần Thơ ghi nhận được là 2,23m, vượt quá khả năng chống chịu của TP là 2m. Qua khảo sát, có 62/73 tuyến đường ở quận Ninh Kiều bị ngập, nước tràn qua tất cả các bờ, đi vào khu vực nội ô. Thống kê có tất cả khoảng 107 điểm ngập từ 0,1-0,65m, thời gian ngập từ 2-4 tiếng. Đặc biệt có 14 tuyến đường ngập sâu từ 0,4-0,65m. Tình trạng ngập do nhiều nguyên nhân như: Sụt lún đô thị, biến đổi khí hậu, nhưng đây là những quá trình diễn ra từ từ, không phải đột biến tức thời. “Hiện nay, mực nước ở thượng nguồn những năm về sau càng lúc càng thấp, nhưng ở đô thị lại tăng cao”.

Ông Toàn nêu nghịch lý và cho biết: Hiện nay, các khu vực đê bao được xây dựng ở thượng nguồn, nhưng lại không có điều tiết nước. Do vậy, cần phải có cơ chế quản lý các vùng. Điều này một mình Cần Thơ không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của các địa phương và các bộ ngành.

Sau phần trả lời của ông Toàn, Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ – ông Phạm Văn Hiểu đã lưu ý ngành nông về các giải pháp về nguồn nước. “Do làm đê bao, do ngăn cống, nước không vô đồng ruộng được thì phải tràn qua chỗ khác, trong khi diện tích đồng ruộng thì mênh mông. Nếu như 13 khu vực ở quận Ninh Kiều có diện tích bằng 2 xã. Rồi hàng trăm xã bị tình trạng nước vô không được, sẽ ra sao?. Do vậy phải xem xét gốc rễ nguyên nhân”.

“Tôi đi cơ sở, trong khi đô thị ngập mênh mông thì tại các cánh đồng ở Thới Lai, Ô Môn lại không có nước.

Thậm chí, người dân rất bức xúc trước việc ngành chức năng đã chặn lại các con đập ở dự án Ô Môn – Xà No. Ngành nông nghiệp cũng cần phải tính toán lại thời vụ, giúp nông dân thu hoạch, gặt hái sớm. Đến khi nước lũ về cứ thoải mái tràn đồng. Quan trọng hơn là thực tiễn đã chứng minh nước lũ mang lại lợi ích nhiều hơn là thiệt hại”….

Ông Hiểu nói và đề nghị ngành nông nghiệp lưu ý điều tiết nước ở các cống đập. Cần phối hợp với các tỉnh thượng nguồn để tính toán lại việc này.

Bích Thuần (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Nghịch lý phố ngập mênh mông, ruộng đồng không có nước