Cảnh báo bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm kéo dài

Hà An|08/02/2020 04:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết nồm ẩm kéo dài mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Thời điểm này cũng dễ phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác…

Không khí nồm, ẩm vào mùa Xuân khiến nhiều người rất mệt mỏi và sinh bệnh. Dưới đây là một số bệnh thường gặp và giải pháp để giúp bạn phòng tránh.

Thủy đậu

Những ngày thời tiết giao mùa nồm ẩm chuyển từ Xuân sang Hè làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thủy đậu. Bệnh do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra và rất dễ lây truyền.

Bệnh sẽ xuất hiện 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi khởi phát, người mắc thủy đậu sẽ nổi mụn nước tại các vùng đầu, mặt, tay chân và toàn thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh và trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân.

Bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc lây qua đường hô hấp.

Những ngày thời tiết giao mùa nồm ẩm chuyển từ Xuân sang Hè làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thủy đậu

Giải pháp: Vaccine thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus gây bệnh. Với trẻ 12-18 tháng tuổi, cần được tiêm 1 liều vaccine.

Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu cũng cần tiêm 1 liều vaccine. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu nên tiêm 2 liều, cách nhau từ 4-8 tuần.

Người bị thủy đậu cần phải cách ly và điều trị theo các chỉ dẫn của thầy thuốc để nhanh khỏi và tránh lây bệnh cho người khác.

Bệnh sởi

Sởi cũng là một bệnh thường thấy khi thời tiết nóng ẩm kéo dài, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus tồn tại và lây lan.

Giải pháp: Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất và hiệu quả nhất. Trẻ cần được tiêm vaccine sởi khi 9 tháng tuổi. Liều vaccine thứ 2 cần được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng.

Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh, bạn có thể dùng globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.

Đau mắt đỏ

Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường công sở đông người…

Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn

Giải pháp: Khi bị bệnh, bạn cần hạn chế tới chỗ đông người để tránh lây cho người khác. Với trẻ nhỏ, nên để trẻ nghỉ học để chăm sóc tại nhà.

Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.

Hà An 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm kéo dài