Cao Bằng: Trên 100 công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang – trách nhiệm thuộc về ai?

22/11/2017 03:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, trong những năm qua, các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, nước tự chảy phục vụ nhu cầu sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều công trình không phát huy tác dụng, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí ngừng hoạt động.

Cao Bằng: Trên 100 công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang – trách nhiệm thuộc về ai?

“CHA CHUNG KHÔNG AI KHÓC”!

Theo số liệu thống kê của các địa phương, toàn tỉnh có 895 công trình cấp nước tập trung. Đến nay, có 130 công trình hoạt động bền vững, 447 công trình hoạt động bình thường, 207 công trình hoạt động kém hiệu quả, 111 công trình không hoạt động.

Tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng), năm 2007, Nhà nước đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng công trình trạm bơm nước sinh hoạt tập trung xóm Nặm Nhũng với công suất thiết kế 20 m3 nước/giờ; năm 2008 nghiệm thu đưa vào sử dụng với mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt cho 80 hộ dân 2 xóm Nặm Nhũng, Thông Sác. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, trạm bơm ngừng hoạt động. Ông Nông Văn Ngấn, xóm Nặm Nhũng bức xúc: Đã mấy năm nay, 80 hộ dân 2 xóm Nặm Nhũng, Thông Sác và các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn xã phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Cứ đến mùa khô, bà con phải đi bộ hàng km để lấy nước về sinh hoạt. Trong khi đó, công trình nước sinh hoạt tập trung được Nhà nước đầu tư lại “tự hỏng” từ bao giờ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Nặm Trần Văn Hiệu, việc các công trình nước tự chảy bị hư hỏng, xuống cấp, bên cạnh nguyên nhân khảo sát, thiết kế, xây dựng, chất lượng công trình, thì một phần do ý thức sử dụng của người dân còn nhiều hạn chế. Công trình không được bảo vệ, lãng phí tiền tỷ, bà con vẫn không có nước sạch để dùng. Đặc biệt, khi xây dựng các công trình khác trên địa bàn, các đơn vị thi công đào đường, đổ bê tông, các phương tiện ô tô đè lên đường ống nước khiến cho đường ống vỡ, tắc nghẽn. Muốn sửa chữa cần có kinh phí khảo sát, đánh giá lại hư hỏng cụ thể trên từng hạng mục và mua sắm các thiết bị mới, trong khi đó kinh phí chi cho hoạt động này lại eo hẹp.

Còn xã Vân An (Hà Quảng), công trình nước tự chảy tại xóm Cha Vạc – Lũng Rẩu được đầu tư xây dựng từ năm 2006 với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, do huyện làm chủ đầu tư, đã nhiều năm liền hoạt động kém hiệu quả, thậm chí một thời gian dài ngừng hoạt động. Nguyên nhân công trình nước tự chảy hoạt động không hiệu quả, ông Trương Văn Dậu, Trưởng xóm Lũng Rẩu cho rằng: Công trình nước tự chảy bất cập ngay trong khâu thiết kế, khi xây dựng xong nước không thể chảy từ trên núi cao về. Hiện nay người dân trong xóm phải đi lấy nước rất xa, chắt chiu từng ít nước từ những mỏ nước đầu xóm, thậm chí biết rõ nguồn nước đó không đảm bảo vệ sinh nhưng cũng phải dùng vì không có nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong mùa khô.

Theo phản ánh của người dân, công trình Trạm bơm xóm Tổng Cọt, xã Tổng Cọt (Hà Quảng) được xây dựng từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư gần 250 triệu đồng (nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn), có công suất khoảng 20 m3/giờ, cấp nước sinh hoạt cho 136 hộ dân 2 xóm Cọt Phố, Cọt Nưa. Công trình đưa vào sử dụng năm 1998, đến năm 1999 trạm bơm ngừng hoạt động.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, do Trạm bơm được sử dụng bằng máy nổ chạy dầu Điêzen, sử dụng nguồn nước từ hang núi, không có hệ thống khử trùng, đầu mối không được vệ sinh thường xuyên…, dẫn tới đường ống xây dựng lâu năm bị hoen rỉ, tỷ lệ thất thoát nước cao. Thêm nữa, vì được quản lý bởi cộng đồng nên không có cán bộ chuyên trách vận hành, chưa giao cụ thể công trình cho người trực tiếp quản lý, chưa có quy chế quản lý, khai thác, bảo vệ, không có kinh phí để tái đầu tư và sửa chữa nên công trình xuống cấp trầm trọng và ngừng hoạt động.

Hiện nay, công trình đang trong tình trạng “phơi nắng, phơi mưa”, hoen rỉ. Do Trạm bơm không hoạt động nên nơi đây trở thành công trình “bỏ hoang” bên trong chứa đầy rác, xung quanh cây cỏ mọc um tùm… Theo ông Hoàng Văn Phong, xóm Cọt Phố, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do công trình được đầu tư lâu năm, hệ thống trạm bơm chạy bằng dầu Điêzen thường xuyên bị hỏng, quá trình sử dụng gặp sự cố về kỹ thuật nên khó khắc phục, sửa chữa.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư những năm qua đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 85%, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế. Tính bền vững và hiệu quả của công trình cấp nước sạch tập trung tại một số xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa không được bảo đảm. Nguyên nhân là do công tác phân cấp quản lý công trình không chặt chẽ; nhiều công trình hư hỏng không được kịp thời sửa chữa; nguồn thu phí sử dụng nước sạch không được thực hiện dẫn đến việc tái đầu tư để sửa chữa, vận hành công trình gần như không có; ý thức bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt của người dân chưa cao…

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hàng trăm công trình nước sạch đang trong tình trạng “đắp chiếu”, ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Do phần lớn các công trình nước sinh hoạt được đặt tại những vùng khó khăn, địa hình dốc, chia cắt, dân cư sống rải rác, trong khi đó, cộng đồng và địa phương được giao thiếu trách nhiệm trong quản lý… Cụ thể, các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đều được giao cho các địa phương khai thác, quản lý. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ quản lý công trình nước sinh hoạt tại những địa phương hạn chế về trình độ chuyên môn, chủ yếu do cán bộ xã kiêm nhiệm; thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng nên các công trình không được bảo dưỡng thường xuyên, nhanh hỏng hóc, không phát huy được hiệu quả như thiết kế ban đầu. Có nơi công trình chôn ống dẫn nước không đúng thiết kế, chưa đủ độ sâu, phần lớn nổi trên mặt đất, súc vật thả rông, phương tiện giao thông đi lại làm hư hỏng đường ống. Có nơi hệ thống ống dẫn nước bị tắc, bị đất vùi lấp không thể dẫn nước đến các hộ gia đình.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, Thành phố rà soát hiện trạng, công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình, tập hợp hồ sơ công trình, làm rõ nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả để đề xuất mô hình quản lý phù hợp với quy định hiện hành, phát huy hiệu quả đầu tư; xác lập dữ liệu công trình, tổ chức lưu trữ hồ sơ, xác định lại giá trị, xác lập sở hữu Nhà nước của công trình; tổ chức hạch toán khấu hao, bảo trì công trình, xác định giá thành nước sạch, giá tiêu thụ nước sạch.

Đồng thời bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, vận hành và khai thác công trình, nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững của các công trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 54/2013/TT-BTC, ngày 4/5/2013 của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ, duy trì hoạt động các công trình cấp nước sạch tập trung. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa công trình cho cán bộ cơ sở; triển khai các biện pháp quản lý và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt hiệu quả, bền vững.

Theo báo Cao Bằng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Trên 100 công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang – trách nhiệm thuộc về ai?