Cậu bé bán phong bao lì xì

Nguyễn Thanh Vũ|17/02/2021 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiếc taxi màu xám xịch đỗ trước ngôi biệt thự trắng vừa mới hoàn tất ngày hôm qua. Ngôi nhà mang đậm phong cách tân cổ điển, nằm ngay góc đường, nơi giao nhau giữa 2 mặt tiền.

Chiếc taxi màu xám xịch đỗ trước ngôi biệt thự trắng vừa mới hoàn tất ngày hôm qua. Ngôi nhà mang đậm phong cách tân cổ điển, nằm ngay góc đường, nơi giao nhau giữa 2 mặt tiền. Chắc hẳn đây là một vị đại gia làm ăn giàu có tiếng. Cậu thiếu gia bước xuống xe  cùng với ba mẹ trông rất phấn khởi:

    -Vậy là Tết này con có nơi tuyệt vời để mời bạn bè về đãi tiệc rồi. Nhưng ba mẹ có phiền không?

    -Tất nhiên là không rồi. Đây là nhà của con mà Tài. Tuy nhiên phải đúng mực đấy nhé! – Mẹ cậu thiếu gia nhắc khéo.

Tài, tên của cậu thiếu gia. Vốn được ba mẹ bảo bọc, thương yêu từ nhỏ nên cậu có vẻ ỷ lại, coi thường những người bạn không cùng đẳng cấp với mình. Ba mẹ Tài do mải mê kiếm tiền nên ít quan tâm đến con cái. Mọi chuyện đều có quản gia và người giúp việc lo giúp. Đã lên lớp 9 rồi nhưng ngay cả nồi cơm Tài cũng không biết nấu, cái áo không biết giặt, nói chi đến việc dọn dẹp một căn phòng cho tươm tất. Tài cho rằng sau này lớn lên sẽ làm kinh doanh như ba, quan tâm chi đến mấy chuyện nhỏ nhặt này. Vì thế mà cậu chẳng biết làm gì ngoài việc ăn học. Tất nhiên ở cái tuổi này ba mẹ không đòi hỏi phải làm việc nhà, nhưng cần phải học hỏi vì  sinh tồn là bản năng của con người. Gác bỏ ngoài tai những lời khuyên chân thành của ông bà, ba mẹ và cả quản gia. Sống trong nhung lụa thì phải tận hưởng, lo gì – Tài nghĩ thế.

Người nhận được lì xì luôn tin rằng những phong bao này mang lại hạnh phúc và tài lộc

Ngày đầu dọn về nhà mới, Tài đi vòng quanh khu biệt thự tham quan. Mặt tiền cổng chính ngôi nhà thật náo nhiệt, sầm uất vì thương mại, ăn uống nhộn nhịp. Nhưng rồi Tài bỗng khựng lại khi thấy một thằng bé đen nhẻm, nhỏ thó, gầy gò, ăn mặc không mấy lành lặn đang ngồi cuối góc trước hàng rào nhà Tài. Chiếc áo ngả màu cháo lòng, chiếc quần đùi thun đến mức không còn thun được nữa nói cho Tài biết nó không phải là người đàng hoàng. Tài nhanh chân tiến lại chỗ thằng bé ngồi với vẻ mặt hình sự:

     -Ê nhóc, mày làm gì trước cổng nhà tao vậy?

    Thoáng chút bối rối, nhưng rồi thằng bé vẫn giữ vẻ bình tĩnh, nhanh nhẩu trả lời:

    -Dạ… Em đang bán phong bao lì xì. Anh mua giúp giùm em vài xấp chứ?

    -Ơ hay, mày tỉnh rụi nhỉ! Tao mới học lớp 9 thì mua bao lì xì làm gì? Mọi người lì xì cho tao thì có.

    -Vậy anh…

    -Tao nghĩ mày phải biết, trước ngôi nhà xinh đẹp này, không ai được bán bất kỳ thứ gì. Rõ chưa.

    -Dạ rõ…

    -Rõ thì mau dọn đi nơi khác mà bán, ngay lập tức.

    Thằng nhóc tiu nghỉu, vội thu những xấp bao lì xì vào túi nylon, xếp giá cây gọn gàng, buộc vào chiếc xe đạp rồi nhanh chân chạy đi, không dám nhìn lại.

***

    Hôm sau, khi đi qua bên hông nhà, nằm trên con đường khác, Tài thảng thốt khi lại thấy thằng nhóc:

    -Ối, lại gặp mày. Tao đã nói rồi mà, mày không được lảng vảng trước nhà tao.

    -Dạ, em đã dọn chỗ bán qua con đường khác rồi còn gì?

    -Nhưng vẫn chưa ra khỏi khu vực nhà tao. Nhà tao nằm ngay góc đường, đến 2 mặt tiền, mày có hiểu không? Mà này, trông mày gian lắm, định lảng vảng trước nhà tao, giả bộ bán bao lì xì để rình mò trộm cắp à?

    -Không, không bao giờ có chuyện đó, anh đừng nghĩ bậy. Em nghèo chứ em không xấu tính, tham lam.

    -Vậy sao mày cứ canh me ngay nhà tao mà không đi bán nơi khác.

    -Tại anh mới dọn đến nên không biết đó thôi, em bán ở khu vực này từ hồi biệt thự của anh chưa cất. Khu này nhiều khách nhà giàu, lại hào phóng, nên em mới đậu xe bán tạm. Anh cho em bán qua cái Tết này được không anh?

    -Không được, đi chỗ khác mà mua với bán. Ai tin lời lẻo mép của mày. Mấy thằng đầu đường xó chợ… nghi ngờ lắm!

    Nghe đến câu này, thằng nhỏ có vẻ bực mình, lớn tiếng:

    -Anh không được nói em như vậy, em nghèo nhưng cũng có lòng tự trọng.

    -Lòng tự trọng của mày không đáng giá một xu, mau đi khuất mắt tao. Cũng may cho mày là con chó bẹc-giê chưa đưa về đây, nếu không là mày chạy bắn khói.

    Thằng nhóc không nói thêm câu nào, lặng lẽ bỏ đi. Lần này nó không chạy xe mà dắt. Dường như những câu xúc phạm của Tài làm nó không vui, nhói lòng.

***

Những ngày tiếp theo, Tài không thấy thằng nhóc xuất hiện. Nó yên tâm về an ninh trật tự khu này. Buổi tối 29 Tết, Tài được hưởng một bữa tiệc ấm cúng cùng gia đình và họ hàng tại một nhà hàng sang trọng. Đó là những người bà con thành đạt của Tài từ bên Mỹ về bàn chuyện làm ăn, sẵn tiện ghé chơi. 23 giờ tiệc mới tàn. Tài được rất nhiều quà đắt tiền, kèm theo những phong bao lì xì “nặng tay”. Tuy nhiên, do quá mệt mỏi nên Tài đặt cả túi quà qua một bên rồi thiếp đi, quên cả việc đóng cửa sổ phòng ngủ. Đến khi nghe tiếng truy hô thất thanh “có trộm, có trộm”, Tài mới giật mình tỉnh giấc chạy xuống nhà. Gã ăn trộm to xác định leo vào phòng Tài nhưng bị hàng xóm và dân phòng tóm gọn giải lên công an phường. Nhìn thấy ba mình xoa đầu cảm ơn thằng nhóc, Tài giật mình:

    -Là mày? Mày vẫn chưa đi sao mà còn ở đây? Mày đồng lõa với ông kia ăn trộm nhà tao phải không?

    Thằng nhóc lắc đầu ra hiệu không có. Ba Tài nói:

    -Nhờ nó đi báo với dân phòng nên nhà mình mới không mất trộm đó. Bác dân phòng còn nói thằng nhóc này, tên gì nhỉ, à cu Tí, nó đã giúp công an bắt nhiều vụ trộm rồi. Con đừng nghĩ oan cho em nó.

    -Nhưng mấy ngày nay nó lảng vảng ở nhà mình. Sao đêm hôm nay nó biết có trộm mà xuất hiện?

    -Ờ há! – ba Tài hơi ngạc nhiên. – Sao cháu lại xuất hiện đúng lúc vậy?

    -Dạ… Thú thật là cháu mồ côi, không có nhà cửa. Trước đây cháu sống ở dạ cầu, nhưng phức tạp quá nên mới xin về ở nhờ trong cái chòi ngay khu vườn bên hông nhà chú với mấy anh thợ hồ. Cũng may khi nhà xây xong, mấy anh thợ hồ dọn đi nhưng cái chòi ấy chưa phá bỏ nên tối nào cháu cũng lén leo rào vô ngủ. Cháu thề là cháu chỉ muốn ngủ nhờ chứ không tham bất cứ thứ gì. Cháu buôn bán để sống qua ngày thôi. Chú tin cháu đi.

    -Thế cháu bán thứ gì? – mẹ Tài hỏi.

    -Trước đây cháu bán sing-gum, nhưng mấy hôm nay cháu bán bao lì xì vì vào mùa Tết.

    -Làm sao tao có thể tin được những gì mày nói? – Tài nói xen vào.

    -Em biết, một kẻ vô gia cư như em sẽ không ai tin. Đêm nay lạnh lắm, cô chú cho cháu xin ngủ ở cái chòi một đêm nữa được không, sáng mai cháu sẽ đi? Cháu hứa.

    Thoáng chút tư lự, ba Tài gật đầu:

    -Con xứng đáng được như vậy, cứ ở thoải mái, không cần dọn đi.

Tài làm dỗi, vội bỏ lên phòng nằm vì quyết định của ba. Tuy nhiên lúc này cậu lại không ngủ được vì cứ nghĩ về thằng nhóc: “Nếu thằng nhóc là người xấu thì nó không truy hô làm gì. Chính mấy bác dân phòng cũng cho là nó phát hiện ra nhiều vụ trộm. Vả lại bấy lâu nay nhà mình không mất thứ gì”. Rồi Tài bắt đầu động lòng trắc ẩn. Cái tính bổn thiện ngủ quên trong cậu lâu ngày, nay trỗi dậy, mạnh mẽ: “Không phải ai vô gia cư cũng là người xấu. Thay vì đi trộm cắp, thằng nhóc lại chịu khó buôn bán nhỏ để kiếm từng đồng kia mà. Nó biết lao động kiếm ra tiền chứ nào phải như mình trông chờ vào ba mẹ…”. Bất giác Tài thấy ớn lạnh vì ngọn gió đông phong lùa qua cửa sổ. Thò đầu ra ngoài trời, nhìn về phía chòi tôn, tối thui, Tài lo cho thằng bé cảm lạnh. Như có luồng thôi miên kỳ lạ, nó vội mang chiếc chăn,chiếu, áo len cùng những thứ linh tinh khác rồi mở cửa chạy ùa ra nhà kho. Rọi đèn pin vào góc tối, Tài thấy thằng nhóc đang ngồi bó gối co ro vì lạnh. Thắp ngọn nến lên, Tài bảo:

    -Áo len này, mặc vào mau kẻo cảm lạnh. Còn chăn và chiếu mày lót xuống giường nằm cho êm.

    Thằng nhóc đưa đôi mắt tròn xoe như hai viên bi long lanh ngạc nhiên hỏi:

    -Một chút nữa em dọn đi rồi, anh đưa cho em làm gì?

    -Mày không muốn ở đây nữa sao?

    -Nhưng anh không cho mà?

    -Ờ… thì lúc nãy khác, giờ tao nghĩ lại rồi.

    -Vậy là anh không đuổi em đi hả?

    -Ừ, tạm thời là vậy.

    Thằng nhóc mừng đến độ suýt hét toáng lên. Cũng may là Tài che miệng nó lại.

    -Suỵt, nhỏ thôi, khuya rồi. Ngủ sớm đi, mai còn phải đi bán bao lì xì. À mà mày có cần người bán phụ không?

     -Cần chứ. Mấy bữa nay khách mua nhiều lắm, em thối tiền lộn hoài. Phải chi có thêm một người nữa…

    -Vậy để tao phụ không công giúp mày.

    -Anh ư? Mấy chuyện thấp hèn này sao để anh làm? Cô chú biết, đuổi em đi thì tội!

    -Đừng lo, tao nghỉ Tết rồi nên rảnh rang, không có học hành gì đâu. Ba mẹ cưng chiều tao lắm. Vậy nhé!

    -Ơ…

***

Buổi sáng của ngày ba mươi Tết, Tài thức dậy từ lúc tinh mơ, chạy vô chòi gọi thằng nhóc. Cu Tí đã dậy tự bao giờ, đang chuẩn bị đồ nghề để dọn hàng ra phố.

    -Để tạo mua một xấp mở hàng giúp mày. May mắn lắm đấy!

    -Anh cũng lì xì nữa hả?

    -Có chứ!

    Đoạn Tài dúi tiền vào túi áo nó, quay đi chỗ khác, nhét một tờ polyme vào bao lì xì.

    -Tặng mày lấy lộc nè.

    Thằng nhóc ngập ngừng vài giây, mắt đỏ hoe như muốn khóc:

    -Hồi nào tới giờ có ai lì xì cho em đâu…

    Nó vội khoanh tay, cuối đầu cảm ơn Tài rối rít rồi bỏ vào chiếc hộp gỗ khóa lại. Nó không quên chúc cậu ấm “vạn sự như ý”.

Hai đứa nhỏ lui cui dọn hàng ra trước cổng ngôi biệt thự trong cái lạnh cứa da cứa thịt. Dòng người xuống phố nô nức. Nụ cười hồn nhiên, tinh khôi của hai đứa trẻ phả vào trong gió khiến cho con phố tràn ngập mùa xuân. Xuân của tình người!

Nguyễn Thanh Vũ

Bài liên quan
  • Ngày Tết nghe điệu dân ca
    Moitruong.net.vn – Với nhiều người Việt Nam, Tết là ngày đoàn viên, ngày gia đình, ngày để mỗi người dù bận đến mấy cũng quay về cội nguồn tổ tiên, nhớ về những ký ức êm đềm và văn hoá truyền thống vốn là gốc rễ trong hành trang ứng xử của mỗi người. Bởi thế, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những câu dân ca đượm tình làng quê trở nên gần gũi và được nhiều người thích nghe hơn cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cậu bé bán phong bao lì xì