Cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo một “chứng nhân” lịch sử

Mai Dung (t/h)|27/07/2019 04:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo không chỉ được nhắc đến như những cây xanh tô điểm thêm cho cảnh vật nơi đây mà nó còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử.

Một trong những nét rất đặc trưng của Côn Đảo (thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là những cây bàng cổ thụ hiện diện ở khắp nơi, từ những con đường trung tâm thị trấn Côn Sơn đến các di tích nhà tù, công viên, trường học…

Theo Ban Quản lý di tích Côn Đảo, toàn huyện có 53 cây bàng cổ thụ được công nhận là “cây di sản” vào năm 2012. Phần lớn các cây bàng cổ thụ này có tuổi đời hơn 100 năm (tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù vào năm 1862).

Ấn tượng với cây di sản

Ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của cây bàng cổ thụ mà nhiều người quen gọi là “con đường bàng”. Đó là đường Lê Duẩn với 11 cây bàng di sản. Rồi đường Tôn Đức Thắng – con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo chạy qua cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này) cũng có đến 19 “cụ” bàng di sản, mọc thành hàng thẳng tắp, đứng ngạo nghễ giữa đất trời.

Nếu trong đất liền, cây bàng thường đứng riêng lẻ thì bàng ở Côn Đảo lại tập trung thành từng hàng, từng cụm lớn.

Những cây bàng tuyệt đẹp ở Côn Đảo – Ảnh: SƠN LÂM

Nếu trong đất liền, cây bàng lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cây nghiêng ngả thì bàng Côn Đảo độc đáo và đặc hữu: lá bàng cứng dày và xanh biếc, dáng thẳng tắp sừng sững vươn lên trời, vỏ cây sần sùi, nứt nẻ, thân cây nổi nhiều u bướu như xà cừ cổ thụ, có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại và có hình thù kì lạ. Những u bướu đó là “đề tài” cho những câu chuyện của những du khách đến đây…

Rất nhiều cách lý giải khác nhau, chỉ biết một điều chắc chắn là những cái u bướu đó thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách đến nơi đây.

Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo cao lớn, hùng vĩ, trầm mặc, cổ lão, gốc xoải rộng đến 5 – 7 mét cũng gây ấn tượng với du khách. Có phải khí hậu nơi đây thích hợp với loại cây ưa sáng này khi ánh sáng trên đảo tràn trề để chúng tồn tại với thời gian, hay những cây bàng ấy buộc phải vĩnh cửu để nói với hậu thế về những gì mà mình đã chứng kiến suốt hơn 150 năm, kể từ khi thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên để hình thành nên “địa ngục trần gian”? Có lẽ cả hai.

“Chứng nhân” lịch sử

Cây bàng là loài cây chính đã che mát và nuôi sống cho hàng ngàn người anh hùng cách mạng trải qua những ngày sống cảnh “địa ngục trần gian” trong hệ thống nhà tù Côn Đảo.

“Ai ở tù Côn Đảo cũng đều đã ăn lá bàng để sống sót” – ông Phan Hoàng Oanh, chủ tịch Hội cựu tù nhân Côn Đảo, nhắc về những tháng ngày không thể quên. Tham gia cách mạng, năm 25 tuổi ông Oanh bị chuyển đến Côn Đảo sau một phiên tòa “bỏ túi” tại Cần Thơ.

Qua hàng rào đá cao bít bùng, những cây bàng giữa sân trại giam xòe bóng mát có lẽ là thứ duy nhất an ủi phần nào tâm trạng của người tù khi đặt chân vào “địa ngục trần gian”. Lúc đó, ông Oanh vẫn chưa biết được chính những lá bàng này sẽ là chất xanh duy nhất nuôi mình qua những ngày khổ ải.

“Được ra sân tù là khoảng thời gian sung sướng nhất trong ngày của người tù. Ngoài việc được hưởng không khí thoáng đãng, mát mẻ dưới những tán bàng cổ thụ để tạm quên cái ngột ngạt trong phòng giam, đó là cơ hội để được… ăn bàng” – ông Oanh kể.

Những cây bàng cổ thụ, cây di sản tại Côn Đảo – Ảnh: SƠN LÂM

Ông Oanh cho biết thức ăn ở nhà tù Côn Đảo toàn cơm hẩm, cá thiu, còn rau củ trong khẩu phần ăn thì gần như không có. Thế nên những cây bàng cổ thụ trong sân tù cung cấp cho người tù thứ thực phẩm được đánh giá ngon nhất trong chuỗi ngày ở đây: lá bàng.

Ông Oanh chia sẻ: “Thực ra lá bàng chát lắm, trước đó có ăn bao giờ đâu. Nhưng với điều kiện ăn uống hết sức tồi tệ như thế thì lá bàng trở thành thứ thực phẩm cứu rỗi vị giác. Nói chung miễn có lá ăn là được, mà trong sân tù thì nhiều nhất vẫn là các cây bàng cổ thụ”.

Mỗi buổi sinh hoạt giữa sân tù trở thành những buổi thưởng thức “đặc sản” lá bàng của người tù. Lá bàng non còn màu hồng là ngon nhất, có thể dễ dàng quấn lại và cho vào miệng nhai. Trái bàng non người tù cũng có thể nhai để lấy vị chát. Hay trái khô rụng xuống cũng có thể đập ra lấy hạt ăn.

Từ sau ngày giải phóng, cây bàng lại gắn với người dân, chứng kiến sự thay da đổi thịt hàng ngày của mảnh đất này. Thế mới thấy mảnh đất bi hùng Côn Đảo, ngay cả cây xanh cũng chất chứa bao điều.

Hiện nay, các cây bàng cổ thụ di sản của Việt Nam được người dân Côn Đảo gìn giữ, bảo vệ rất kỹ lưỡng. UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo đơn vị quản lý cây xanh của huyện thường xuyên thực hiện công tác chăm sóc, cắt tỉa cành, nhánh khô, xử lý những cây bị sâu bệnh, cây già cỗi, dễ gãy, đổ gây nguy hiểm cho người đi đường và ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, phá hoại cây trồng. Nhờ đó những hàng cây bàng cổ thụ luôn tươi tốt, góp phần tạo nên không gian cổ kính, vốn rất riêng của Côn Đảo.

Mai Dung (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo một “chứng nhân” lịch sử