Chăm lo người có công như chính người thân trong gia đình

M.An|26/07/2017 01:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), chiều 25/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, xã Viên An, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội.

người có công

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà người có công tại Trung tâm

Cùng đi với Tổng Bí thư có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội được thành lập từ năm 1978, tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh nặng Hà-Sơn-Bình. Năm 1994, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều dưỡng thương bệnh binh, Trung tâm tiếp tục được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công với cách mạng. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, nuôi dưỡng tổng số 111 người có công. Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên 55 đối tượng chính sách là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, thương binh và người có công.

Về công tác điều dưỡng, từ năm 1999 đến nay, Trung tâm còn thực hiện điều dưỡng luân phiên được gần 38.000 lượt người. Năm 2017, Trung tâm được giao nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên 2.112 lượt người. Tính đến nay, Trung tâm đã điều dưỡng 1.498 người, đạt trên 70% kế hoạch năm.

Báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết: Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước, với hơn 800.000 người, chiếm 10% dân số thành phố; trong đó, có 92.000 người hưởng trợ cấp hàng tháng. Những năm qua, ngoài chính sách theo quy định của Trung ương, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, huy động được đông đảo các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, thành phố đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 8.211 nhà ở của hộ gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 958 tỷ đồng.

người có công1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi thăm và làm việc

Phát biểu tại buổi thăm và làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động được đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội trong dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi ân cần và lời cảm ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và người có công đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Các cụ, các bác được chăm sóc tại Trung tâm hoàn toàn có thể tự hào về sự đóng góp lớn lao của bản thân, gia đình đối với dân tộc Việt Nam. Thấu hiểu và sẻ chia với những vất vả, khó khăn, đặc biệt là những mất mát về mặt tình cảm của những người mẹ, người vợ, những thân nhân người có công, gia đình liệt sỹ, chính vì thế, từ năm 1947, Bác Hồ đã căn dặn: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, mỗi chúng ta phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ như chính người thân trong gia đình.

người có công2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, kiểm tra điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và tặng quà người có công tại Trung tâm

Tính đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó, có 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185.000 bệnh binh; gần 312.000 người nhiễm chất độc hoá học; gần 4,1 triệu người hoạt động khác chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đất nước có được như ngày hôm nay là nhờ công lao, những đóng góp của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, lịch sử sẽ không bao giờ quên những người có công, Tổng Bí thư nói.

Nhân đây, Tổng Bí thư cũng hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và thành phố Hà Nội, trong những năm qua, đã có những việc làm thiết thực, cụ thể chăm lo đến người có công, đặc biệt đã tạo thành phong trào quần chúng rộng khắp để cùng chung tay chăm lo, giúp đỡ người có công.

Tuy nhiên, những việc đã làm được vẫn chưa xứng với những cống hiến, hy sinh của người có công. Chính vì thế, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công, đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

người có công3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cán bộ, nhân viên, người lao động Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Đối với Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, Tổng Bí thư cho rằng Trung tâm đã làm tốt công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công từ nhiều năm nay, chính vì thế, Trung tâm cần tổng kết kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế để tiếp tục làm tốt hơn một công việc hết sức thiêng liêng là chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn là phải chăm sóc như những người thân trong gia đình. Đây không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của người đi sau đối với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, Tổng Bí thư nhắc nhở.

Tiếp đó, Tổng Bí thư đã trực tiếp thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sỹ, các thương binh đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Tổng Bí thư cũng tặng quà 2 gia đình người có công tiêu biểu của huyện Ứng Hòa là Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Mai (sinh năm 1921, có 2 con trai là liệt sĩ) ở tại thị trấn Vân Đình và ông Đặng Đình Ấp, thương binh 1/4, ở xã Liên Bạt.

M.An

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo người có công như chính người thân trong gia đình