Châu Âu: Phát thải carbon giảm vì đại dịch Covid-19

Minh Anh|09/05/2021 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong năm 2020, lượng khí thải carbon xuất phát từ quá trình đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên đã giảm 10% so với năm trước đó.

Nước có mức giảm lượng phát thải khí nhà kinh lớn nhất thế giới trong năm 2019 là Pháp, với mức giảm 15%. Đứng ở vị trí thứ hai là Vương quốc Anh, giảm 13%. Nghiên cứu của chương trình Ngân sách carbon toàn cầu – bản phân tích toàn diện nhất về sản lượng carbon của thế giới cho thấy, mức giảm kỷ lục 7% trên toàn cầu (khoảng 2,4 tỷ tấn carbon) đã kéo lượng khí thải tự nhiên từ nhiên liệu hóa thạch xuống còn khoảng 34 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào năm 2020.

Nguyên nhân do mức tiêu thụ dầu và các sản phẩm dầu giảm tại hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong khi tiêu thụ khí đốt tự nhiên cũng giảm tại 15 quốc gia. Trái lại, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, đặc biệt là phong điện, thủy điện và năng lượng mặt trời, đã tăng đáng kể.

Lượng khí thải carbon của châu Âu giảm do tác động bởi dịch Covid-19.

Báo cáo của Eurostat cho thấy, Hy Lạp, Estonia và Luxembourg là những quốc gia có mức giảm phát thải carbon cao nhất với khoảng 18%. Đức, quốc gia tạo ra 1/4 tổng lượng khí carbon của EU, ghi nhận mức giảm gần 9%. Các quốc gia khác thải lượng lớn khí carbon như Italia, Pháp và Ba Lan cũng đạt mức giảm trong khoảng 8-11%.

Mục tiêu trung hòa carbon của EU vào năm 2050 nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu đòi hỏi một quá trình chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực công nghiệp thông qua việc sử dụng những công nghệ như nhiên liệu hydro tái tạo và lưu trữ năng lượng. Các tòa án ở Pháp và Đức cũng đã ra phán quyết yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực hơn nữa trong hạn chế phát thải.

Tuy nhiên, trong số 27 quốc gia thuộc EU, Ba Lan là thành viên duy nhất không cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Việc không sẵn sàng ngừng sử dụng than khiến Warsaw gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn ngân sách chuyển đổi xanh của EU.

EU đang xem xét những biện pháp hỗ trợ và đẩy nhanh triển khai các dự án quan trọng vì lợi ích chung châu Âu (IPCEI), nơi các quốc gia thành viên có thể tập hợp nguồn lực cho những công nghệ chiến lược. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang cân nhắc một chương trình hỗ trợ nhằm bảo đảm giá carbon cho nhà phát triển dự án. Điều này có thể khuyến khích đầu tư vào các công nghệ như hydro sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo.

Thực tế cho thấy, qua đại dịch Covid-19, các chính phủ vẫn có cơ hội thực hiện một số thay đổi. Ví dụ, nếu có nhiều người tiếp tục làm việc từ xa, nếu các thành phố trở nên thân thiện hơn với nhiều người lựa chọn đi bộ hoặc đi xe đạp thì điều đó sẽ giúp làm giảm lượng khí thải carbon trong thời gian dài.

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu chỉ rõ, một số thay đổi khác về mặt cấu trúc, chẳng hạn như xây dựng nhiều nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo hơn hay như chuyển sang dùng xe điện sẽ mất nhiều thời gian nhưng điều này là khẩn cấp để có thể giảm lượng khí thải trong tương lai.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu: Phát thải carbon giảm vì đại dịch Covid-19