Chiến lược giúp nhân viên y tế Singapore ít bị phơi nhiễm COVID-19

Mai An (t/h)|31/03/2020 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Singapore đã xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả để bảo vệ các y bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, những người đối mặt nguy cơ lớn lây nhiễm bệnh

Singapore, điểm sáng bảo vệ nhân viên y tế trong dịch bệnh

Ở Malaysia, một phụ nữ mang thai không tiết lộ người cha nhiễm virus corona đã bị lây sau khi sinh con, cả bệnh viện phụ sản phải đóng cửa để khử trùng. Ở Philippines, 9 bác sĩ qua đời vì COVID-19, hai người trong số họ gặp phải một bệnh nhân nói dối về lịch sử đi lại.

Nhà chức trách Tây Ban Nhangày 27-3 công bố con số gần 10.000 nhân viên y tế nước này nhiễm virus corona. Tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha là 64.059, nghĩa là cứ 6 người nhiễm thì có một người làm trong ngành y tế.

Trong khi ở Ý, số nhân viên y tế nhiễm bệnh là gần 5.000 ca (công bố ngày 22-3 và có khả năng đã cao hơn vào thời điểm hiện tại).

Ở Ý, nơi có hơn 86.000 bệnh nhân tính đến sáng 28-3, một bác sĩ buộc phải làm việc mà không có găng tay bảo hộ. Ông qua đời vì bệnh sau đó.

Còn ở Mỹ, với hơn 100.000 bệnh nhân tính đến sáng 28-3, các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, thiếu thốn đủ thứ từ máy trợ hô hấp, khẩu trang, quần áo bảo hộ… Việc bệnh nhân tràn vào phòng cấp cứu, phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) càng làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Ngày 7-3, Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ đưa ra hướng dẫn chống dịch tạm thời, theo đó nếu không có lựa chọn nào, bệnh viện có thể yêu cầu nhân viên y tế bị phơi nhiễm tiếp tục làm việc miễn là họ đeo khẩu trang và không có triệu chứng.

Trong khi đó, tại Singapore, đang được coi là điểm sáng chống dịch. Nước này ghi nhận hơn 800 ca nhiễm, nhưng số y bác sĩ nhiễm Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này hiện rất thấp, đa phần lây nhiễm từ bên ngoài các cơ sở điều trị, quan chức Bộ Y tế Singapore cho biết.

Cũng tại Singapore, các chuyên gia chú ý trường hợp 41 nhân viên y tế phơi nhiễm Covid-19 nhưng sau đó xét nghiệm âm tính. Họ đều từng tiếp xúc gần với một bệnh nhân phải đặt ống thở nội khí quản và chưa biết bệnh nhân này nhiễm Covid-19. Theo báo cáo, toàn bộ nhân viên y tế trong vụ việc đã sử dụng trang phục bảo hộ gồm khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95, được các bác sĩ coi là tiêu chuẩn vàng giúp ngăn chặn 95% các hạt trong không khí.

Kết luận đăng tải trên tạp chí y khoa The Annals of Internal Medicine vừa qua cho thấy “không nhân viên y tế nào trong vụ việc nhiễm bệnh cho thấy khẩu trang phẫu thuật, nước rửa tay và các phương pháp tiêu chuẩn khác đã bảo vệ họ khỏi lây nhiễm”.

Nhân viên y tế ở Singapore. Ảnh: AFP

Các chuyên gia kết luận rằng việc không nhân viên y tế nào bị nhiễm vi rút cho thấy sự cần thiết phải đeo khẩu trang y tế và giữ vệ sinh theo quy trình. Bác sĩ phẫu thuật Atul Gawande tại New York cho rằng có nhiều điều đáng học hỏi từ các nhân viên y tế tại châu Á và cũng là những nguyên tắc vệ sinh y tế cơ bản, bao gồm việc giữ khoảng cách, rửa tay đúng cách và tuân thủ quy trình khử trùng.

Kết quả của chiến lược chuẩn bị lâu dài

Các bác sĩ nói rằng nguyên nhân là ngành y tế Singapore đã chuẩn bị kỹ phương án đối phó đại dịch sau khi trả giá đắt vì bị SARS tấn công năm 2002. Nhân viên y tế chiếm 41% trong số 238 ca nhiễm SARS tại Singapore.

Do đó, các bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt phương án đối phó, yêu cầu nhân viên hoãn kế hoạch nghỉ phép và đi lại sau khi các ca nhiễm nCoV đầu tiên xuất hiện. Bệnh viện nhanh chóng phân chia nhân sự thành các nhóm để đảm bảo không thiếu nhân sự khi dịch diễn biến phức tạp và y bác sĩ được nghỉ ngơi đầy đủ.

Singapore có 13.766 bác sĩ, tức 2,4 bác sĩ trên 1.000 người. Chỉ số này ở Mỹ là 2,59, 1,78 ở Trung Quốc và 4,2 ở Đức. Trong khi đó, Myanmar và Thái Lan có chưa đến một bác sĩ trên 1.000 người.

Mục tiêu của Singapore là luôn đảm bảo duy trì các dịch vụ y tế trọng yếu với mức độ bảo vệ cao nhất cho y bác sĩ. Các bộ phận chức năng luôn có nguồn lực dự phòng và hoạt động tách biệt với nhau.

Để làm được điều này, họ cần duy trì tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân cao và có đủ chuyên viên phụ trách công việc quan trọng, như y bác sĩ làm việc tại khu chăm sóc đặc biệt, biết cách vận hành máy thở hoặc hệ thống tim phổi nhân tạo.

Chuyên viên cấp cứu nhi khoa Jade Kua cho biết các y bác sĩ khoa cấp cứu được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 21 người trực theo ca 12 giờ và không tương tác với các nhóm khác. “Người trong một nhóm sẽ luôn làm việc cùng nhau, cùng trực ca sáng hay tối. Nhóm khác cũng như vậy, chúng tôi không trộn lẫn”, Kua nói.

Chia Shi-Lu, từ bệnh viện Đa khoa Singapore, cho biết các bác sĩ được tách ra theo nhiệm vụ. “Chúng tôi cố gắng tránh tiếp xúc với nhóm khác hết mức có thể. Chúng tôi chào hỏi nhau khi đứng ở hai đầu hành lang. Khi ăn uống cũng vậy, căng tin có quy định về khoảng cách ngồi giữa các nhân viên”. Chia cho biết thêm rằng dịch vụ y tế công Singapore có thể huy động cả bác sĩ tư nhân.

Không phải quốc gia nào cũng có kế hoạch như vậy. Năm ngoái, Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu của Economist Intelligence Unit cho thấy 70% trong số 195 quốc gia chuẩn bị kém kế hoạch xử lý dịch bệnh. Khoảng 1/3 số nước không xác định được họ thiếu nhân sự ở mảng nào. Tại Ấn Độ, nước có dân số 1,3 tỷ người, chỉ khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc đặc biệt, y tế cấp cứu và phổi.

Trong khi đó, Singapore đã công bố Kế hoạch Phòng ngừa và Ứng phó Đại dịch cúm đầu tiên vào tháng 6/2005 và liên tục cải tiến nó. Các bệnh viện thường xuyên diễn tập kịch bản xảy ra đại dịch hay tấn công khủng bố. Bộ Y tế đôi khi giám sát hoạt động, đánh giá kịch bản đối phó và chỉ ra những mặt cần cải thiện.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh cần dự trữ thiết bị, vật tư y tế để tránh tình trạng thiếu hụt mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt – bài học rút ra từ SARS, khi Singapore đã lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược giúp nhân viên y tế Singapore ít bị phơi nhiễm COVID-19