Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Hà Anh|07/05/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiến dịch Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta chống thực dân Pháp, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào – Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Đối với đế quốc Pháp – Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á.

Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp-Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc.” “Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc.” Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam.

Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20.11.1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.

Chiều 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Tính đến tháng 3.1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm bốn tiểu đoàn, hai đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.

Về phía Việt Nam, việc quân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ không làm đảo lộn kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay cả trên hướng Tây Bắc. Trên các hướng đã được xác định, khối chủ lực vẫn mở các cuộc tiến công đúng như kế hoạch gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và bị động đối phó.

Tại Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta.”

Các đòn tiến công chiến lược quan trọng của Việt Nam trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc khối cơ động của địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng, Lê Liêm – Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang – Chủ nhiệm Cung cấp.

Với những nỗ lực cao nhất, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng lớp nhân dân hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ như công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ… Và đã có biết bao tấm gương hy sinh trên đường ra trận, nhiều anh hùng quên mình xả thân cho cuộc kháng chiến.

Đầu tháng 3.1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm ba phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.

Đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13.3.1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1.5 và kết thúc ngày 7.5.1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ý nghĩa lịch sử trọng đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của quân dân Việt Nam đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 – 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu cho sự sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới; giáng đòn nặng nề đầu tiên vào dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhà sử học Pháp Jules Roy sau này đã thừa nhận, xét trên phạm vi thế giới “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn hãy còn vang vọng”.

Cũng từ đây, “tiếng sấm Điện Biên Phủ” có sức cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ la-tinh; đồng thời góp phần làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin thời đại ngày nay: Một dân tộc bị áp bức, nhưng nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, biết phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có khả năng đánh bại những đội quân xâm lược hung bạo. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố: đó là đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng; từ tinh thần yêu nước nồng nàn và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh; bắt nguồn từ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình, ủng hộ từ bè bạn quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp. Nhưng nguồn gốc sâu xa nhất chính là từ tình yêu quê hương đất nước, là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng của mỗi con dân đất Việt.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam