Ngày nước thế giới: Chống biến đổi khí hậu để bảo vệ hệ sinh thái trên hành tinh

Lương Anh|22/03/2020 08:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22/3, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trong việc bảo vệ sức khỏe của con người và duy trì các hệ sinh thái trên hành tinh.

Ngày Nước thế giới nhằm nâng cao nhận thức của 2,2 tỷ người sống mà không được tiếp cận với nguồn nước an toàn. Ngày này hướng về hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Trọng tâm cốt lõi của Ngày Nước thế giới là hỗ trợ cho việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Ngày Nước Thế giới 22/3 năm nay, với chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” đã chỉ rõ rào cản lớn nhất đối với việc bảo đảm nguồn nước cho thế giới.

Nước là tiền đề cho sự sống trên Trái Đất, quyết định sự tồn tại của con người và các sinh vật trên Trái Đất bởi không một sinh vật nào có thể tồn tại nếu thiếu nước.

Nước có vai trò thiết yếu đối với phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, an ninh lương thực và lành mạnh hệ sinh thái, cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để giảm gánh nặng toàn cầu bệnh tật và cải thiện sức khỏe, phúc lợi và năng suất của cộng đồng.

Được sử dụng nước sạch và hệ thống vệ sinh trong sinh hoạt được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người.

Tháng trước, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thông báo dòng chảy của sông Colorado giảm 20% so với thế kỷ trước. Sông Colorado là nguồn nước cho hơn 40 triệu người sống tại 7 bang miền Tây Nam nước Mỹ, trong đó có các thành phố lớn như Denver, Los Angeles, Las Vegas và San Diego, cũng như các trang trại ở Mỹ và Mexico cung cấp nông sản cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Đây là dòng sông hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ USD hoạt động kinh tế mỗi năm và theo USGS cảnh báo “Nếu mất đi dòng sông này, các thành phố của Mỹ ở Tây Nam sẽ khô cạn và biến mất.”

Sông Colorado không phải là nguồn nước duy nhất trên thế giới đang bị đe dọa. Một báo cáo gần đây của Đại học Rutgers, Mỹ, cho biết tình trạng nước biển dâng đang làm nhiễm mặn sông Delwar, nguồn nước uống của thành phố Philadelphia.

Hồ Poopó của Bolivia vào đầu năm 2016 đã cạn kiệt gần như hoàn toàn sau nhiều năm mực nước liên tục suy giảm, kéo theo một thảm họa đối với động vật hoang dã và hoạt động đánh bắt cá của người dân lân cận.

Hồ Chad, một trong những hồ lớn nhất trên thế giới, cũng biến mất sau nhiều thập niên cạn dần nguồn nước, đẩy khoảng 30 triệu người ở Chad, Cameroon, Niger và Nigeria rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực.

Ảnh minh họa

Theo Liên hợp quốc, chính sách khí hậu của các quốc gia và khu vực phải có cách tiếp cận tổng hợp đối với vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý nước. Áp lực về nguồn cung nước đòi hỏi các quyết định mạnh tay hơn về phân bổ tài nguyên nước trong các hoạt động sử dụng. Để đảm bảo một tương lai bền vững, tiếp tục hiện trạng không phải là một lựa chọn và quản lý nước cần được xem xét kỹ lưỡng qua lăng kính chống biến đổi khí hậu.

Các nước cần tăng cường đầu tư trong việc cải thiện dữ liệu, thể chế và quản trị, giáo dục và phát triển năng lực, đánh giá rủi ro và kiến thức. Các chính sách cần đảm bảo sự đại diện, sự tham gia, thay đổi hành vi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và các tổ chức.

Bằng cách thích nghi với tác động của nước do biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ bảo vệ sức khỏe và bảo toàn mạng sống. Đồng thời, nếu sử dụng nước hiệu quả hơn, chúng ta sẽ giảm khí nhà kính.

Nhiều sự kiện đánh dấu Ngày Nước thế giới đã bị hủy hoặc trì hoãn do sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, với khẩu hiệu “Mọi người đều có vai trò của mình,” chiến dịch năm nay muốn nhấn mạnh đến thông điệp rằng ngay trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều hành động để chúng ta góp phần tạo ra sự thay đổi.

Lương Anh 

Bài liên quan
  • An Giang: Bảy Núi mùa khát nước
    Moitruong.net.vn – Từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 4, vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) lại phải đối mặt khô hạn, thiếu nước khốc liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày nước thế giới: Chống biến đổi khí hậu để bảo vệ hệ sinh thái trên hành tinh