Chủ động phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất

Mai Anh (T/h)|26/11/2020 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiều 25/11, hội thảo khoa học với chủ đề phòng tránh sạt lở đất, lũ quét được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến hết tháng 10, thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường trên nhiều vùng, miền cả nước với 16 loại hình thiên tai đã xảy ra. Với 9 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn, trên 49 tỉnh/thành phố; 15 trận lũ quét, sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ; 79 trận động đất.

Từ cuối tháng 9 và đặc biệt trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Định) đã phải chịu ảnh hưởng lớn của 8 loại hình thiên tai gồm: bão, ATNĐ, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Ảnh minh họa

Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động KTXH, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

GS. TS Akihiko Wakai, chuyên gia Địa kỹ thuật thuộc khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Gumma – Nhật Bản), cho biết: Thiệt hại bởi lũ quét và sạt lở đất gây ra do bão và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam vẫn đang gia tăng. Năm 2019, nhóm nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu điều tra một số khu vực xảy ra thiên tai nhằm thiết lập hệ thống dự báo và giám sát trượt đất, từ đó kiểm soát các thảm họa trong tương lai ở miền Trung của Việt Nam.

Bản đồ hiện trạng sạt lở đất của khu vực bị ảnh hưởng sẽ được xây dựng với việc sử dụng hình ảnh vệ tinh. Cơ chế thiên tai sẽ được phân tích chi tiết bằng cách sử dụng lượng mưa quan sát được và thông tin địa chất. Qua đó phát triển các bản đồ nguy cơ rủi ro địa phương nhằm chuẩn bị cho thiên tai.

GS. Dương Quang Trung, Chủ tịch nghiên cứu Học viện Kỹ thuật Hoàng gia (Anh), cho rằng: Tại Việt Nam, 70% dân số cả nước đang gặp phải rủi ro thiên tai, đặc biệt là người nghèo ở nông thôn và thành thị.

Điều quan trọng là phải phát triển một hệ thống không dây có thể đối phó với các tình huống thiên tai quy mô lớn. Điển hình như việc ứng dụng công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào phòng, chống thiên tai như lũ quét và sạt lở đất.

Đặc biệt, chúng ta có thể giám sát lũ bằng thiết bị bay không người lái (UAV) sử dụng điện toán sương mù với các công nghệ tiên tiến trong tối ưu hóa thời gian thực. Hệ thống có khả năng cải thiện độ chính xác dự đoán và cho phép ứng phó với lũ lụt theo thời gian thực.

PGS. TS Hoàng Việt Hùng, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, trước mắt chúng ta cần điều tra thống kê các điểm trượt lở nguy hiểm trong khu vực đã được cảnh báo nguy cơ trượt lở cao, đông dân cư, khẩn cấp. Từ đó áp dụng các biện pháp công trình cứng như tường chắn trên hệ cọc nhồi, khoan neo kết hợp hệ dầm bên tông cốt thép, bạt mái cân chỉnh mái dốc kết hợp thoát nước trong thân khối trượt và bề mặt…

Còn về lâu dài, cần thiết lập các bản đồ nguy cơ trượt lở tỷ lệ lớn (1/10.000) cho các khu vực tập trung dân cư bằng các công nghệ tiên tiến hiện nay; hướng đến triển khai hệ thống quan trắc trượt lở đất theo thời gian thực phục vụ dự đoán, dự báo và nâng cấp cảnh báo.

Mai Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất