Chủ động tìm hiểu để có biện pháp phòng tránh ô nhiễm không khí

Hải An (T/h)|09/10/2019 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, trở thành vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động tìm hiểu và có những biện pháp phòng tránh để giảm thiểu tác hại đến sức khỏe.

Để cải thiện chất lượng không khí như chống ồn, chống bụi, tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm. Bên cạnh đó, tăng cường thu gom, xử lý chất thải, áp dụng các biện pháp để hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ của người dân.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, có 12 tác động chính ảnh hưởng đến môi trường của Thủ đô: Tác hại từ việc xả thải của ô tô, xe máy; việc đun than tổ ong, đốt củi vẫn còn tiếp diễn; vận chuyển vật liệu xây dựng; phá dỡ các công trình; tình trạng đốt rơm rạ khu vực ngoại thành; việc thu gom rác thải chưa tốt; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý tốt; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, một số chuyên gia môi trường cho rằng Hà Nội cần sớm ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường. Trong đó, cần xử lý nghiêm tình trạng các công trình xây dựng không che chắn, để bụi phát tán ra môi trường.

Bên cạnh đó mỗi người dân cần xây dựng ý thức tham gia giao thông bằng những hành động cụ thể nhỏ nhất như tắt máy khi không cần thiết, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm lượng khí thải ra môi trường. Mặt khác, tăng cường duy trì và triển khai thêm các trạm quan trắc không khí tự động.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia môi trường cũng kiến nghị Hà Nội cần tăng diện tích mặt nước và cây xanh trên địa bàn bởi theo nghiên cứu, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc. Đồng thời, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, đẩy mạnh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến để thay thế phương pháp chôn lấp.

Để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp…

Hiện tại, thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí. Điển hình là Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn đến năm 2020, với quy mô 20 trạm quan trắc không khí. Dự kiến đến năm 2030, toàn thành phố có 50 trạm quan trắc. Ðây là một trong những nỗ lực góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của Hà Nội. Ðồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.

Để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, các chuyên gia cho biết, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí. Tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn như các công trình xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như: xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm… Cùng với đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng.

Hải An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động tìm hiểu để có biện pháp phòng tránh ô nhiễm không khí