Chủ tịch Hà Nội: Các huyện còn vấn đề rác thải phải giải quyết sạch trước 15/10

Theo Infonet|12/09/2017 10:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hà Nội có 18 khu xử lý rác thải

(Moitruong.net.vn) –Sáng 12/9, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành.

Báo cáo giải trình trước HĐND TP về công tác quy hoạch chất thải, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền nêu, về mặt quy hoạch, toàn Thành phố có 17 khu xử lý rác thải. Vừa qua, do yêu cầu và thực tiễn, Thành phố có báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thêm một khu tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), nâng tổng số lên 18 khu.

Qua quá trình triển khai thực hiện, có 8 khu đã được cải tạo nâng cấp mở rộng (trong đó có 2 khu đã có chủ trương của Thành phố là dừng chôn lấp và trồng cây xanh: Kiêu Kỵ (Gia Lâm) và Vân Đình (Ứng Hoà)); 6 khu đang tiếp tục đầu tư cải tạo với diện tích hơn 300 ha, trọng tâm là khu tại Sóc Sơn và Xuân Sơn (Sơn Tây) và 10 khu xây dựng mới (trong đó có 6/10 khu đang được triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hoá, còn lại 4 khu chưa được triển khai thực hiện).

Về tình hình triển khai các dự án nhà máy trong các khu xử lý chất thải, qua tổng hợp của Sở, có 20 dự án, trong đó có 14 dự án có quyết định đầu tư với tổng diện tích 170 ha với tổng công suất 10.400 tấn/ngày.

Về hình thức đầu tư: đầu tư trực tiếp (12 dự án), theo hình thức PPP (12 dự án), đầu tư trong nước (13 dự án, đầu tư nước ngoài 1 dự án). Tính đến nay, có 5 dự án đã đi vào hoạt động và 5 dự án đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, 1 dự án đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, 1 dự án đã có quyết định đầu tư nhưng di chuyển địa điểm và 2 dự án có chủ trương dừng chôn lấp; 4 dự án đang nghiên cứu đầu tư và các dự án còn lại đang triển khai chủ trương.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực rác thải giai đoạn 2011-2017, tổng kinh phí là 6.335 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng các khu xử lý rác (tập trung ở hai khu của huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn – Sơn Tây) là 1.665 tỷ đồng và hỗ trợ đầu tư hạ tầng xã hội cho các xã bố trí quỹ đất cho dự án xử lý rác là 870 tỷ đồng.

CT_chung_1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình

Có nơi thiếu trách nhiệm trong thực hiện xử lý rác thải

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nhiều công việc để thực hiện việc xử lý rác thải.

Cụ thể, thành phố đã tổ chức rà soát các quy trình thực hiện xử lý rác thải đã giao cho các sở, ngành, quận, huyện; lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống những bãi rác để đối thoại, lắng nghe người dân để đáp ứng nguyện vọng của người dân; thành phố yêu cầu đấu thầu công khai các đơn vị thực hiện thu gom rác thải, thực hiện theo đơn giá mới từ tháng 3-2017; thành phố đã báo cáo HĐND về việc quản lý, xử lý rác thải, HĐND thành phố đã phân cấp việc quản lý, giao trách nhiệm cho lãnh đạo 30 quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố và các sở, ngành sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện; thành phố giao cho Sở Xây dựng chủ trì thực hiện cùng Công ty thoát nước Hà Nội xử lý vấn đề môi trường, tổ chức tuyên truyền người dân nâng cao ý thức việc xả thải, vứt rác đúng giờ; thành phố đã lắng nghe 16/35 đơn vị đấu thầu thuyết trình để có cơ sở chọn nhà thầu hợp lý…

Tuy nhiên, bên cạnh việc làm như vậy, còn nhiều tồn tại như sự vào cuộc của các đồng chí lãnh đạo quận huyện, đặc biệt là phường, xã có nơi thiếu trách nhiệm; các công ty môi trường đô thị sau đấu thầu thực hiện không nghiêm túc; rác thải xây dựng đổ trộm lên đến hàng triệu tấn tại ven các bờ sông; tại các địa bàn giáp ranh, rác thải bị đổ trộm và đổ trách nhiệm; chưa nghiên cứu kỹ nên một số thùng rác đặt không đúng địa điểm…

Trước ngày 15/10 phải giải quyết sạch rác trên địa bàn

Trước vấn đề mà nhiều đại biểu HĐND quan tâm về “công nghệ xử lý rác thải thành phố lựa chọn như thế nào”, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện có 36 nhà đầu tư gửi hồ sơ tham gia xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã xây dựng 12 tiêu chí, trong đó, nhấn mạnh một số tiêu chí hàng đầu như: Có năng lực tài chính; ký quỹ một khoản tiền sau khi nộp hồ sơ nhận thầu; công nghệ bảo đảm đốt không thải ra khí dioxin; ưu tiên công nghệ mới, công nghệ xanh; nhà máy được xây dựng trên diện tích đất ít nhất; giá thành xử lý rác thấp nhất; nghiên cứu kỹ rác tại Hà Nội; ưu tiên đầu tư xây dựng dây chuyền phân loại rác…

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Chủ tịch các quận huyện, phường, xã phải xác định nhiệm vụ liên quan đến thu gom, xử lý rác, xử lý ô nhiễm ao hồ, chống đổ trộm phế thải là nhiệm vụ thường xuyên. Các huyện còn tồn tại các vấn đề về rác như Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, trong tháng 9/2017 và muộn nhất trước ngày 15/10 phải giải quyết sạch rác trên địa bàn. Nội dung này sẽ được Sở Xây dựng đi kiểm tra.

Trong xử lý rác thải xây dựng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp nhập máy nghiền để tận dụng nguồn nguyên liệu này tái tạo thành cát. Thành phố đã chọn 4 địa điểm để đặt máy là Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm và Đông Anh để sớm triển khai các dự án này. Khi quận huyện cấp phép xây dựng cho nhà dân phải yêu cầu họ trình hợp đồng có tên công ty và địa điểm đổ phế thải xây dựng.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị và mong muốn người dân tự giác chấp hành các nội quy nơi công cộng, không xả rác bừa bãi; Sở Thông tin – Truyền thông, báo chí cùng các quận, huyện tăng cường tuyên truyền để người dân đem rác đi đổ đúng địa điểm, đúng giờ quy định.

Theo Infonet

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hà Nội: Các huyện còn vấn đề rác thải phải giải quyết sạch trước 15/10