Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương vĩ đại về bảo vệ môi trường

Minh Dương|18/05/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Bác Hồ, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn quan tâm dặn dò nhân dân, cán bộ, chiến sĩ về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, vì sức khỏe là vốn quí nhất của con người. Con người có mạnh khỏe thì công việc làm mới có hiệu quả, chất lượng.

Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm xã Nam Chính (Nam Sách, Hải Dương). Sau khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, Bác đi kiểm tra các công trình vệ sinh của nhân dân. Ảnh tư liệu

Bác kêu gọi “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”!

Trong hồi ức của nhiều đồng chí được gặp Bác, khi đến thăm một đơn vị nào đó, Người sẽ đi từ bếp lên nhà; đến làm việc ở một cơ quan nào đó, Người sẽ đi kiểm tra khu nhà ăn, khu vệ sinh trước rồi mới lên chỗ hội họp, đến văn phòng. Thăm hỏi một gia đình công nhân hay một gia đình nông dân hoặc tới thăm một khu tập thể, Người cũng thường như vậy – trước hết xem xét nơi ăn, chốn ở, nhà bếp, nguồn nước, nhà tắm, hố xí và dặn dò nhân dân ăn ở hợp vệ sinh.

Trong lần Bác về thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Sơn La thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người nói: “Ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không, bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”.

Năm 1965, xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đón Bác về thăm. Bác đã đến tận các công trình vệ sinh, giếng nước, nhà tắm của các gia đình xã viên. Bác khen ngợi: “Nam Chính là kiểu mẫu trong công tác vệ sinh phòng bệnh. Từ chỗ uống nước ao tù, đến nay 416 gia đình đã có 369 cái giếng, 416 hố xí hợp vệ sinh, 82 nhà tắm, 22 tủ thuốc… Kết quả là bệnh tiêu chảy, đậu mùa, toét mắt đã chấm dứt”. Trong chuyến thăm này, Bác Hồ đã đưa ra vấn đề vệ sinh phòng bệnh thành phong trào “Vệ sinh yêu nước”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ: “Cần giáo dục cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ, phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”; “về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ, ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi…”.

Bác hòa mình với thiên nhiên

Họa sĩ Diệp Minh Châu, người có một thời gian được sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, đã từng chứng kiến Bác hì hục đào hố trồng một cây quýt trước khi chuyển sang nơi ở mới. Thấy lạ, họa sĩ Diệp Minh Châu hỏi: “Dời nhà rồi, Bác còn trồng làm gì?”. Bác đáp: “Ít lâu nữa cây quýt lớn lên, có trái, người đi đường, đi rừng có thể đỡ khát”. Đó chính là phong cách sống cao cả của Bác.

Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch chính là nơi Bác hòa mình sống với thiên nhiên. Hiện nay, toàn bộ vườn cây trong Phủ Chủ tịch có đến 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh, mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi. Trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người”.

Nhà thơ Cu-ba P. Rô-đri-ghết sau khi đến thăm nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cũng đã nhận xét: “Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó hiện ra những cành cây và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống”.

Trong bản Di chúc viết ngày 15-5-1965 (bản thứ ba là năm 1969, cũng là bản Di chúc được công bố chính thức), Bác đã bày tỏ mong muốn được hỏa táng, chôn trên một quả đồi và “…Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh lại lợi cho nông nghiệp”.

bác

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969, Ảnh tư liệu

Bác kêu gọi “trồng cây gây rừng”!

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn bảo vệ môi trường sống của nhân dân thì phải bảo vệ “lá phổi xanh”. Trong bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28-11-1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”. Đối với Bác, trồng cây không chỉ là lợi ích trước mắt, mà còn làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên sáng ngày 5/2/1961 tại vườn hoa Thanh niên, Công viên Thống Nhất, Bác nói: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội – Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”.

Năm 1968, Bác căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu IV: “Chiến tranh, bộ đội thường phải trú quân trong rừng nên phải hướng dẫn cho anh em tận dụng hang động, hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng. Chặt cây động rừng, muông thú không có nơi ở phải bỏ đi lang thang. Bộ đội ở rừng gặp thú rừng là đương nhiên. Trong tay lại có súng, có đạn nên việc sát hại thú rừng là dễ xảy ra lắm. Chú về chỉ thị, nhắc nhở toàn quân không được săn bắn thú rừng… Ta lại còn săn bắn nữa thì nay mai đất nước hòa bình, giang sơn đâu còn là rừng, rừng đâu còn muông thú? Thế chẳng khác gì đất không có người, sông không có cá”.

Gần 60 đã trôi qua, “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi truờng sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực.

Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.

Minh Dương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương vĩ đại về bảo vệ môi trường