Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc tế Lao động 1/5

Quốc Anh|01/05/2022 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Bác là người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc tế Lao động 1/5

Cách đây 136 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô, nước Mỹ, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố Chi-ca-gô đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chi-ca-gô.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động; là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (ngày 19-5-1955), Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Bác đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Năm 1924, trên đất nước Xô-viết, lần đầu tiên, Bác Hồ tham dự kỷ niệm ngày 1/5. Cũng nhân dịp này, Người ký tên vào lời kêu gọi của Quốc tế nông dân gửi nông dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh và củng cố tình đoàn kết chiến đấu với  giai cấp công nhân. Cũng ngày này, Bác Hồ nhận được giấy mời của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản tham gia cuộc mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 tại Hồng Trường và phát biểu ý kiến tại cuộc mít-tinh của nhân dân lao động Matxcơva kỷ niệm ngày lễ lớn này.

Ngày 01/5/1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội họp ở Hương Cảng được tiến hành. Ngày này, nhiều nơi trong nước, công nhân bãi công, rải truyền đơn, treo cờ đỏ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 1/5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động, là một dịp biểu dương lực lượng mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.

Vào ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đây, giá trị của ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Có thể khẳng định rằng ngày Quốc tế Lao động 1/5 rõ ràng đã sớm đến với phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Công lao này trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì, khi đưa phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta gắn với phong trào công nhân thế giới, với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã hiểu rõ và làm cho nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc  tế Lao động 1/5. Chính Người đã góp phần quan trọng đưa ngày Quốc tế Lao động trở thành ngày hội lớn, ngày tết chung của nhân dân lao động thế giới. Với dân tộc Việt Nam, bằng những hành động cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến những dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động trở thành ngày biểu dương lực lượng, biểu dương tình đoàn kết dân tộc và quốc tế.

Tinh thần Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt

Phát huy tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ghi nhớ lời hiệu triệu của Bác, cùng với nhân dân lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng vạn công nhân sẵn sàng lên đường cầm súng chiến đấu; các phong trào thi đua lao động, sản xuất, khôi phục kinh tế, kiến thiết nước nhà, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giai cấp công nhân và người lao động.
Ảnh tư liệu lịch sử

Trải qua những năm tháng lịch sử hào hùng cùng với cách mạng nước nhà, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, ngày Quốc tế Lao động hàng năm đã trở thành ngày hội lớn, ngày Tết đầy ý nghĩa của nhân dân lao động trên cả nước. Theo đó, nhân dân lao động trong cả nước đã và đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích, đoàn kết rộng rãi thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhau và với các tổ chức công đoàn trên thế giới, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, vì hòa bình, hợp tác phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy Bác đã đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng của Người vẫn còn mãi với non nước Việt Nam, luôn được các thế hệ người Việt Nam hôm nay và cả mai sau học tập noi theo. Với tinh thần 30/4 và 1/5 bất diệt, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Người.

Quốc Anh

Bài liên quan
  • Chiến thắng 30/4 mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Chiến thắng thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, từ cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc tế Lao động 1/5