Chủ tịch nước: Tăng trưởng sẽ không bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường

Việt Hùng|16/05/2017 06:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Phát biểu tại buổi Đối thoại nhiều bên về Apec hướng tới tương lai sáng 16/5 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế – xã hội.

apec

Mở đầu bài phát biểu, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. “Việt Nam rất tự hào được đăng cai APEC lần thứ hai, góp phần vào sự phát triển của diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP thế giới và 49% thương mại toàn cầu” – Chủ tịch nước nói.
Phát biểu tại buổi Đối thoại nhiều bên về Apec hướng tới tương lai sang 16/5 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu…

APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cách đây 6 tháng, tại Li-ma, Pê-ru, tôi và các nhà lãnh đạo APEC đã khởi động quá trình thảo luận về tầm nhìn APEC sau 2020. Cuộc đối thoại nhiều bên ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện tiến trình này. Xây dựng tầm nhìn APEC đòi hỏi tập trung trí tuệ, sự hợp tác sâu rộng và khát vọng của tất cả chúng ta. Sự tham dự đông đảo của đại diện các bên liên quan, từ chính phủ đến doanh nghiệp, các học giả, phụ nữ, thanh niên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiến tạo tương lai APEC.
Chủ tịch nước khẳng định: Chặng đường 28 năm hình thành và 23 năm thực hiện mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư, APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực. Những nỗ lực của APEC trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác về tự do hoá thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh và hợp tác kinh tế – kỹ thuật đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở khu vực. Từ năm 2000 đến 2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần, từ 6,4 nghìn tỷ USD lên 16,5 nghìn tỷ USD; thuế quan trung bình đã giảm hơn một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5% năm 2015. Đây là những con số sinh động khẳng định thành công và vai trò quan trọng của APEC trong gần 3 thập niên qua, góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo.
APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Thế giới đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Quá trình liên kết kinh tế sâu rộng và sự thay đổi công nghệ, đặc biệt là tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, đang làm thay đổi diện mạo các ngành nghề nhanh hơn khả năng tự điều chỉnh của các nền kinh tế. Đồng thời, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và già hóa dân số đặt ra những yêu cầu mới đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.
Trong bối cảnh phát triển mới, người dân và doanh nghiệp trong khu vực APEC, từ các công ty lớn đến hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo là APEC đang và sẽ làm gì cho họ? Những câu hỏi này đặt ra ngày càng bức thiết khi kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi bấp bênh, chậm chạp trong khi sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế và trong từng nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, có nguy cơ làm đảo ngược các thành quả kinh tế – xã hội mà chúng ta đã nỗ lực đạt được.

Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược
Hướng tới năm 2020, việc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu Bô-go càng trở nên quan trọng trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hoá và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Chủ tịch nước khẳng định: “Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn”.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi.

Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời, chúng ta cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hoá, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn.
Theo đó: Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế – xã hội.
“APEC cần hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số. Những thành tựu kinh tế – xã hội của Việt Nam hơn 30 năm qua cũng như định hướng chiến lược phát triển của chúng tôi trong thời gian tới cũng không nằm ngoài định hướng đó” – Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020
APEC cần liên tục thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực. Sự phát triển của APEC trong gần 3 thập niên qua cho thấy Diễn đàn đang không ngừng điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Lịch sử đã chứng minh các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1998 và khủng hoảng toàn cầu 2008 – 2009 không những không khiến APEC “mất đà” mà còn làm nổi bật hơn vai trò của Diễn đàn trong việc dẫn dắt các xu thế tăng trưởng và liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới.
Tiếp nối các năm APEC trước, với chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC 2017, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đang đi đúng hướng với việc thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển con người và nâng cao năng lực.
Chủ tịch nước cho rằng, trong 2 – 3 thập niên tới, APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động, khả năng chống chịu và tính trách nhiệm. APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch….
Để làm được điều đó, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC phải là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả. Với 50 năm thành công trong hội nhập khu vực, ASEAN có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với APEC trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng ngày càng gắn kết về kinh tế – xã hội…
Tại buổi Đối thoại, Chủ tịch nước đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại biểu thảo luận để làm rõ thêm một số vấn đề như: Một là, xác định những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bô-go đúng thời hạn vào năm 2020. Hai là, xác định mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC. Và ba là, xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.
Cách đây 11 năm, tại Trung tâm hội nghị này, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện lộ trình Busan hướng tới các Mục tiêu Bô-go với các biện pháp và lộ trình cụ thể. Từ đó đến nay, APEC đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các Mục tiêu Bô-go. Chúng ta hãy làm hết sức mình để tương lai của thế kỷ 21 được khởi nguồn từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương – một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân và doanh nghiệp…

Việt Hùng

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Tăng trưởng sẽ không bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường