Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 cam kết: Nếu có bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức

Nguyễn Đăng Lâm|02/11/2017 00:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại buổi họp báo, đại diện nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường tại nhà máy khi đi vào hoạt động. Nhất là việc sử dụng công nghệ, thiết bị cũ từ nước ngoài nhập về và việc phá bỏ khoảng 50ha rừng dừa nước tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn.

(Moitruong.net.vn) – Ngày 01/11, tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo chuyên đề về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy bột giấy VNT19. Tham dự bổi họp báo có nhiều phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh Quảng Ngãi. 

1-vnt19

Quang cảnh buổi họp báo

Liên quan đến thiết bị cũ từ nước ngoài nhập về nhà máy, ông Nguyễn Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 thừa nhận, nhà máy có sử dụng thiết bị cũ từ Na Uy nhập về. Ông cho rằng, tỷ trọng giá trị sử dụng thiết bị cũ từ nhà máy TOFTE (Na Uy) rất nhỏ, chỉ khoảng 600 tỷ đồng so tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư thực hiện đầu tư, thay mới 100% nhiều hệ thống dây chuyền thiết bị như: Hệ thống xử lý nước thải, nước cấp, nước cấp cho lò hơi, lò hơi đốt than, lọc bụi tĩnh điện, tháp giải nhiệt…Ngoài ra, chủ đầu tư nâng cấp các hệ thống chứng bốc, máy sấy, hệ thống điện, điều khiển đảm bảo chất lượng châu Âu. Cũng theo ông Nguyễn Tiên Phong, việc nhập một số thiết bị đã qua sử dụng từ Nhà máy TOFTE , tại thời điểm chúng tôi khảo sát mua, nhà máy này vẫn đang hoạt động và nước thải xả ra Biển Bắc bảo đảm an toàn môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu (Na Uy).

Về môi trường, “hệ thống xử lý nước thải đã được chủ đầu tư thuê công ty Aqua Flow (Phần Lan). Đây là công ty đứng đầu thế giới về xử lý nước thải cho bột giấy, là nhà thầu thiết kế, cung cấp mới 100%, giám sát lắp đặt cho dây chuyền này bảo đảm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn châu Âu, quy chuẩn áp dụng trong nước trước khi bớm xả ra môi trường. Theo thiết kế, dây chuyền bố trí xây dựng hồ sự cố dung tích 50.000m3 để lưu trữ nước trong trường hợp xảy ra sự cố đối với hệ thống xử lý nước thải. Như vậy, nhà máy không thể gây ô nhiễm môi trường nước trong mọi trường hợp khi chạy thử và vận hành”- đại diện chủ đầu tư khẳng định.

Còn việc đề xuất làm hồ sinh học của UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư cũng đồng ý làm thêm hồ chỉ thị sinh học nhỏ bằng cách trích dẫn đường lấy nước sau khi xử lý để tiến hành nuôi cá nhằm kiểm chứng nước trước khi bơm xả ra vịnh (biển) Việt Thanh.

Quan điểm của nhà đầu tư về ảnh hưởng đến môi trường, ông Nguyễn Tiên Phong khẳng định: “Nhà máy Bột giấy VNT19 chỉ sử dụng dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn môi trường. Công ty cam kết nếu có bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức, không để ảnh hưởng đến các hộ dân trong vùng dự án”.

Đối với việc phá bỏ 50ha rừng dừa nước Cà Ninh, xã Bình Phước đại diện chủ đầu tư cho biết, việc phá bỏ 50ha rừng dừa nước do Công ty môi trường nước Quảng Ngãi đề xuất làm hồ chứa nước. “Dự án đó riêng, được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt. Họ tích nước để cung cấp cho nhiều dự án khác trên địa bàn chứ không riêng gì cho Nhà máy bột giấy VNT19. Hiện, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có quyết định sau khi phá bỏ rừng dừa Cà Ninh sẽ trồng bù vào diện tích khác”- đại diện chủ đầu tư cho biết.

Theo Công ty cổ phần Bột giấy VNT19, dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 được triển khai trên diện tích 117 ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với quy mô công suất 350.000 tấn/năm với nhiều hạng mục chính, như: Khu xử lý mảnh, dây chuyền sản xuất bột, máy sấy bột, hệ thống chưng bốc và xút hóa, lò hơi thu hồi, lò hơi đa nhiên liệu, các tua- bin và máy phát, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải…Phân xưởng thu hồi của nhà máy xử lý toàn bộ các sản phẩm theo chu trình khép kín; Hai tua-bin có công suất tổng là 54MW đảm bảo cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy.

Mục tiêu của dự án: Sản xuất bột giấy và giấy tẩy trắng thương phẩm cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; Tiêu thụ gỗ rừng trồng trong dân cư và các doanh nghiệp lâm nghiệp, các trang trại…tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm nhập siêu của quốc gia, đóng góp thuế cho ngân sách địa phương và Trung ương; góp phần hiện đại hóa, nâng sức cạnh tranh ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy của Việt Nam.

Dự án được khởi công xây dựng từ quý II/2015, thời gian hoàn thành đi vào hoạt động dự kiến quý IV-2019. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng./.

Nguyễn Đăng Lâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 cam kết: Nếu có bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức