Cụ Bùi Bằng Đoàn – Nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam

Thanh Hà (T/h)|18/09/2019 04:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889, tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ, cụ đã theo con đường khoa cử, sớm đỗ đạt.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, chứng kiến phong trào Cần vương kháng Pháp thất bại; các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhân dân ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc.

Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của Triều đình nhà Nguyễn, đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Chân dung Cụ Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu

Là người ham học, có tri thức uyên bác, năm 1906 cụ Bùi Bằng Đoàn, khi đó mới 17 tuổi đã đỗ Cử nhân. Sau đó, Cụ được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa Trường Hậu Bổ. Khi làm quan trong triều đình Huế, từ Tri huyện tập sự ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đến Án sát tỉnh Lạng Sơn; Án sát tỉnh Bắc Ninh; quan Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình…

Năm 1925, khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), Cụ được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án Cụ Phan Bội Châu. Năm 1928, trước việc báo chí lên án mạnh mẽ tình cảnh bị bóc lột dã man của phu đồn điền ở miền Nam, Triều đình Huế đã cử Cụ Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của người Pháp:

Tháng 5 năm 1933, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm làm Hình bộ Thượng thư, đồng thời tham gia Viện Cơ mật – cơ quan cao nhất trong hệ thống quyền lực dưới triều vua Bảo Đại. Trên cương vị mới, với sự am hiểu về luật pháp và tư tưởng tiến bộ, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều sáng kiến cải cách tư pháp, trong đó có việc bãi bỏ những quy định không phù hợp ở các tỉnh, đạo ở Trung Kỳ. Cụ đã chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo các bộ luật mới của triều đình nhà Nguyễn có nội dung tiến bộ, như: Luật Hình sự (ngày 03/7/1933); Quy tắc tố tụng dân sự và hình sự (ngày 02/8/1933), Luật Dân sự (tháng 7/1936, tháng 9/1939)…. Đồng thời, Cụ đã cải tiến các hoạt động của Bộ Hình, đặc biệt là hoạt động của các Tòa án và nhân sự theo hướng tân tiến.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ mới. Chán ghét cảnh quan trườngtrong thời buổi loạn lạc, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ mới và xin từ quan về quê nghỉ ngơi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn tại Lễ phong quân hàm Đại tướng ngày 28.5.1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu

Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ. Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14/11/1945.

Vào tháng 1 năm 1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông và tháng 11 năm đó, Cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội, thay Cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiêm vụ mới.

Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội – người đứng đầu Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Vào thời điểm đó, cụ và Ban Thường trực Quốc hội đã nhận thức rõ nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến. Dù không thể tổ chức các cuộc họp thường xuyên, nhưng ĐBQH chính là cơ sở kết nối với quần chúng, động viên quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có. Cụ đã có những hành động cụ thể để phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc, huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, cụ viết: “Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta”.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do cử tri cả nước bầu nên, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11 năm 1946”. Lời tuyên bố đanh thép của cụ là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Trong những ngày ở Chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thời gian ấy, Bác Hồ và cụ Đoàn như hai người bạn tri kỷ.

Từ tháng 8-1948, do lâm bệnh nặng nên cụ Bùi Bằng Đoàn không còn trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội. Tuy nghỉ dưỡng bệnh nhưng cụ vẫn theo dõi tình hình trong nước, quốc tế và thường xuyên gửi thư thăm hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và đóng góp nhiều ý kiến mưu lợi ích cho nhân dân.

Đặc biệt, nhân dịp khai mạc Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa I vào tháng 3-1955, kỳ họp đầu tiên trong thời gian hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ đã gửi thư đến Quốc hội và toàn thể quốc dân đồng bào, qua đó thể hiện tư tưởng xuyên suốt là cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước. Bức thư có đoạn viết: “Tôi thiết tha kêu gọi các vị ĐBQH, các vị nhân sĩ trí thức, toàn thể quân đội và đồng bào đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.

Do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, mặc dù đã được tận tình cứu chữa, nhưng cụ đã từ trần vào ngày 13-4-1955. Trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa I, tỏ lòng thương tiếc cụ, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng đã nói: “Tất cả chúng ta hết sức tiếc nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn, đại biểu tỉnh Hà Đông và Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã tạ thế ngày 13-4-1955. Trong mấy năm đau bệnh nặng, cụ vẫn luôn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Cụ đã làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân cho tới phút cuối cùng…”.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa I là nhiệm kỳ Quốc hội đi cùng với công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Với trọng trách là một trong những người đứng đầu Quốc hội trong giai đoạn này, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của Cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập. Tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Thanh Hà (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ Bùi Bằng Đoàn – Nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam