Cuba: Tiếp tục mở rộng thử nghiệm lâm sàng vắcxin chống ung thư tiền liệt tuyến

Ngọc Linh (t/h)|07/10/2019 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ gien và sinh học Havana đang tiếp tục điều chế thành công vắc-xin chữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Theo hãng thông tấn nhà nước ACN của Cuba, Trung tâm Di truyền và Công nghệ sinh học (CIGB) nước này sẽ mở rộng thử nghiệm lâm sàng loại vắcxin chống ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sau mang tên Heberprovac từ quý I năm sau.

Vắcxin Heberprovac được thử nghiệm khoa học và phê chuẩn từ năm 2007 tới 2011, và kể từ đó vắcxin này đã qua 2 đợt thử nghiệm lâm sàng, lần lượt với 8 và 50 bệnh nhân tình nguyện.

Ảnh Minh họa

Trong đợt thử lần tới, loại vắcxin chống tiền liệt tuyến đầu tiên do Cuba tự phát triển này sẽ được tiến hành với 300 bệnh nhân.

Dự kiến đợt điều trị đầu tiên bằng Heberprovac kéo dài 5 tháng với 7 lần tiêm, sau đó các bệnh nhân sẽ tiến hành hóa trị, rồi được các nhà khoa học theo dõi, đánh giá theo từng trường hợp trước khi quyết định phác đồ điều trị tiếp bằng vắcxin này.

Một thành viên nhóm nghiên cứu, bác sĩ Maria Castro cho biết vắc-xin Heberprovac ngăn sự phát triển của bệnh ung thư tiền liệt tuyến và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Sau các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với kết quả đáng khích lệ tại bệnh viện Camarguey, một loạt thử nghiệm thứ hai sẽ được thực hiện với số lượng bệnh nhân nhiều hơn tại các bệnh viện thuộc hai tỉnh Holguin và Santiago của Cuba.

Được biết, ung thư tiền liệt tuyến là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai ở nam giới Cuba. Còn trên phạm vi thế giới, ung thư tiền liệt tuyến là một bệnh phổ biến ở nam giới hiện nay, đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Nếu phát hiện được bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90%. Ngược lại nếu phát hiện muộn thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ dưới 30%.

Để đánh giá hiệu quả của Heberprovac, CIGB sẽ tham chiếu với Degarelix, hiện được coi là một trong những thuốc điều trị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sau tốt nhất thế giới hiện nay và do tập đoàn Ferring Pharmaceuticals cung cấp dưới thương hiệu Firmagon.

Nếu đạt được hiệu quả như kỳ vọng, đặc biệt là trong việc hạn chế các biến chứng và hiệu ứng phụ, Heberprovac sẽ được sản xuất diện rộng để cung cấp cho hệ thống y tế toàn quốc miễn phí của Cuba, và tiến tới xuất khẩu.

Các sản phẩm công nghệ sinh học và dược phẩm nằm trong số những kim ngạch xuất khẩu chủ chốt của Cuba, trong đó CIGB giữ vai trò quan trọng.

Trung tâm này là tác giả của CimaVax – vắcxin đặc trị ung thư phổi đầu tiên trên thế giới và Heberprot-P – thuốc chuyên điều trị biến chứng hoại tử sang chân từ tiểu đường, cũng như một số vắcxin điều trị các khối u đặc, ung thư da, viêm gan B, viêm khớp và thiếu máu não cục bộ.

Một chuyên gia khác thuộc nhóm nghiên cứu này, Giáo sư Jesus Junco cho biết, loại vaccine được bào chế để chống lại các khối ung thư giai đoạn 3 và 4 sẽ có hiệu quả tương đương hoặc cao hơn so với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn trong tương lai.

Các nhà khoa học Cuba đang tiếp tục nghiên cứu sự tương tác của loại vaccine này đối với các loại thuốc khác và so sánh với những loại thuốc hoặc phương pháp điều trị đạt tiêu chuẩn hiện nay.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuba: Tiếp tục mở rộng thử nghiệm lâm sàng vắcxin chống ung thư tiền liệt tuyến