Đà Nẵng: Ngành du lịch từng bước khôi phục sau đại dịch COVID-19

Ngọc Linh|15/09/2020 03:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình dịch bệnh đang được khống chế, ngành Du lịch Đà Nẵng đang từng bước khôi phục lại các hoạt động du lịch để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế.

Vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ngành du lịch Đà Nẵng đang từng bước khôi phục lại các hoạt động du lịch để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế” trong đại dịch COVID-19.

Dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động du lịch. Ngày 28/7/2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, cùng với chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng về thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh; chỉ còn 38 khách sạn phục vụ y, bác sỹ, người nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, khoảng 87 cơ sở lưu trú du lịch phục vụ khách dài hạn, khách công tác.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán, chiếm khoảng 24% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, hoạt động kinh doanh du lịch tại thành phố chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn, một số đơn vị tạm dừng hoạt động.

Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố Đà Nẵng khoảng 26.000 tỷ đồng; trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng; tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

Số lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng giảm mạnh, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3%; khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8%.

Sau hơn 1 tháng phòng, chống dịch, đến ngày 13/9, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW đề ra quan điểm, chủ trương quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép,” vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, vừa có biện pháp thích ứng “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, trong thời gian tới, việc mở lại các hoạt động du lịch sẽ được áp dụng theo tình hình, từng thời điểm theo các kịch bản phòng, chống dịch của thành phố. Vừa qua, thành phố đã cho phép các khách sạn hoạt động trở lại, tiếp đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản cho phép khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi và đến thành phố Đà Nẵng, trong đó có hoạt động đường bay. Vì vậy, trong thời gian tới hy vọng khi kiểm soát được dịch bệnh hoạt động đường bay sẽ được hoạt động bình thường để phục vụ khách du lịch đến với Đà Nẵng.

Cũng theo ông Bình, mở cửa các cơ sở lưu trú là động thái đầu tiên đối với ngành Du lịch Đà Nẵng trong thời điểm vừa liên tiếp trải qua nhiều giai đoạn cách ly xã hội do dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc quyết định cho hoạt động lại các cơ sở lưu trú là một trong những bước đi an toàn và cần thiết của Đà Nẵng để khởi động lại những dịch vụ thiết yếu của ngành Du lịch.

Trước tình hình khó khăn chung, ngành Du lịch đã lên đưa ra kịch bản du lịch ngắn hạn theo phương châm “người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng – thông tin, được sự đồng ý của Sở Du lịch, hiệp hội hiện đã kêu gọi một số doanh nghiệp mở cửa đón khách trở lại trong tháng 9 để khai thác nguồn khách tại chỗ. Với kịch bản lạc quan nhất, ông Dũng tin rằng đến tháng 10 và cuối năm, ngành Du lịch sẽ triển khai khai thác khách tại hai đầu Hà Nội, TPHCM và có thể đón được khách quốc tế trở lại.

Đà Nẵng sẵn sàng từng bước hồi phục sau đại dịch

Nhằm khắc phục tâm lý e ngại này của du khách và khôi phục hoạt động du lịch trở lại, Sở Du lịch sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; xây dựng các kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, định hướng tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa khai thác kinh doanh hiệu quả; đưa ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch đang thay đổi sau đợt dịch.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, đủ khả năng chăm sóc sức khỏe, y tế cho du khách, nhất là điều trị dịch bệnh cho cộng đồng thông qua các bài viết, hình ảnh, video chia sẻ trên các kênh truyền thông, trên Website danangfantasticity.com, fanpage Danang FantasticCity, Instagram, Klook.com… nhằm lan tỏa thông điệp “Đà Nẵng rất đẹp, đã an toàn và sẵn sàng chào đón các bạn” để tạo niềm cảm hứng khám phá của du khách sau khi hết dịch.

Cùng với đó, Sở Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa.

Sở cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, đăng cai tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp xúc tiến du lịch trở lại. Đồng thời, nghiên cứu triển khai giải pháp công nghệ du lịch thông minh (Công nghệ thực tế ảo VR360), triển khai chương trình du lịch trực tuyến để đưa vào phục vụ du khách hiện đang là xu hướng của thế giới hiện nay…

Sở Du lịch Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá trên các kênh truyền thông của Sở và phối hợp với doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động ngoại giao… để quảng bá du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch trong nước, quốc tế.

Sở Du lịch Đà Nẵng xây dựng và ban hành triển khai Bộ Chỉ số an toàn trong lĩnh vực du lịch, tập huấn quy trình đón khách du lịch đảm bảo an toàn phòng chống, dịch COVID-19 để khách du lịch yên tâm khi lựa chọn điểm đến an toàn là thành phố biển Đà Nẵng.

Trong hơn 1 tháng qua, Đà Nẵng là tâm dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch.

Chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cùng với Sở Du lịch Đà Nẵng đã lên kế hoạch, kêu gọi các doanh nghiệp hành động theo tiến độ kiểm soát dịch để triển khai kịch bản lạc quan nhất mà ngành du lịch Đà Nẵng đã vạch ra trong trường hợp không xuất hiện ca lây nhiễm mới. Trong tháng 9, Hiệp hội du lịch dự kiến sẽ đưa ra các chương trình cho người Đà Nẵng đi du lịch tại chỗ, hoặc người dân các địa phương Đà Nẵng, Huế đi du lịch Đà Nẵng bằng phương tiện cá nhân, triển khai các dịch vụ nhỏ lẻ như đi tham quan trọn gói tại các điểm du lịch nổi tiếng, qua những hoạt động này sẽ củng cổ hình ảnh du lịch Đà Nẵng sôi động và an toàn đối với du khách.

Đến ngày 13/9, các hoạt động dịch vụ lữ hành, khu, điểm du lịch và các hoạt động dịch vụ du lịch khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch cho đến khi có thông báo mới.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đã được phép đón, phục vụ khách trở lại kể từ 0 giờ ngày 5/9/2020 nhưng cơ sở lưu trú chỉ được kinh doanh dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn uống tại phòng cho khách; tất cả các loại hình dịch vụ khác tại cơ sở tiếp tục tạm dừng.

Các phương tiện vận tải đã được hoạt động trở lại nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định trong tình hình mới.

Ngọc Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Ngành du lịch từng bước khôi phục sau đại dịch COVID-19