Đắk Lắk: Chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai

Thanh Hương (T/h)|24/08/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống thiên tai 8 tháng năm 2019 để chủ động trước mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ lốc tố, dông sét; 1 đợt hạn hán; 1 đợt mưa lũ, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất và công trình cơ sở hạ tầng.

Cụ thể: có 1 người chết (do mưa lũ), 3 người bị thương (do lốc tố, dông sét); 99 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và 1.792 ngôi nhà bị ngập nước do ảnh hưởng mưa lũ; có 16 điểm trường với 14 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, 270 m tường rào bị sập đổ. Về sản xuất nông nghiệp, có 31.493 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do thiên tai, trong đó 6.218 ha bị mất trắng; có 308 con gia súc, 3.631 con gia cầm bị cuốn trôi; 81 ha ao nuôi cá bị ngập nước; nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng nặng… Tổng thiệt hại ước tính hơn 834 tỷ đồng.

Quang cảnh Hội nghị

Để hỗ trợ kịp thời các địa phương và người dân khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh đã phân bổ trên 29,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 13,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 6,2 tỷ đồng, Quỹ Phòng chống thiên tai trên 9,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có đông đảo lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cùng tham gia khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định cuộc sống.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, các ban, ngành, địa phương cần xác định công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi có tình huống xảy ra, cũng như chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư cho công tác này.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là người dân ở một số khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai; các cơ quan chuyên môn cũng cần thông tin, cảnh báo kịp thời tình hình diễn biến thời tiết trên địa bàn để người dân chủ động phòng tránh; có sự chủ động phối hợp giữa các ban ngành, địa phương trong công tác phòng chống thiên tai.

Thanh Hương (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai