Đắk Lắk: Khai tử hơn 100 cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm

Hoài Thu ( T/h)|11/09/2017 08:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tỉnh Đắk Lắk kiên quyết xóa bỏ, di dời hơn 100 cơ sở sản xuất than củi được xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

(Moitruong.net.vn) – Các cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Krông Pắk, Ea Kar (Đắk Lắk) sẽ bị cưỡng chế, di dời để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Theo phản ánh của các hộ ở tổ dân phố 4 thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar), gần 1 năm nay trong khu dân cư này có 31 cơ sở sản xuất than củi hoạt động suốt ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường…

anh-1-3-1452

Các cơ sở sản xuất than củi trên địa bàn huyện Ea Kar gây bức xúc cho người dân

Hàng chục hộ dân khối 4, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) phản ánh từ đầu năm 2016 đến nay, 31 lò đốt than củi ở địa phương hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Theo họ, các lò than hoạt động suốt ngày đêm khiến khói, bụi và mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh.

Được biết trước đó UBND thị trấn Ea Kar đã ra thông báo yêu cầu các lò than phải tháo dỡ, di dời trước ngày 15/7, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên đến nay các lò than vẫn hoạt động bình thường.

Huyện Ea Kar đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra và lập biên bản đối với 31 cơ sở sản xuất than hoạt động trái phép và yêu cầu chủ cơ sở tháo dỡ, di dời ngay trong tháng 9.

Theo ông Vũ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Kar, các cơ sở sản xuất than củi này đều được xây dựng mà không có giấy phép do 10 người gồm Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Chính, Phạm Hồng Điệp, Cao Đức Sơn, Văn Hữu Nghiêm, Lê Xuân Thưởng, Nguyễn Thị Hương, Đoàn Ngọc Lập, Lê Thị Luận, Đặng Thị Bân từ các địa phương khác đến thuê đất của đồng bào để xây dựng.

“Các cơ sở xin gia hạn đến ngày 15/9, để đốt hết nhiên liệu. Địa phương đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường làm các thủ tục để xử lý các cơ sở này”, ông Khang nói.

Các đơn vị chức năng của huyện Krông Pắk cũng đã kiểm tra, bắt buộc các cơ sở này phải xóa bỏ hoặc di dời cơ sở sản xuất vào các điểm quy hoạch, xa khu dân cư, xây dựng theo đúng quy trình, hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại 4 xã Ea Kênh, Ea Kly, Krông Búk, Ea Yông.

Các đơn vị chức năng cũng kiểm tra rõ nguồn gốc gỗ củi được sử dụng tại cơ sở, xử lý nghiêm đối với các cơ sở khai thác, sử dụng gỗ, củi rừng trái phép để sản xuất than.

Cũng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mới đây, UBND huyện Ea H’leo đã có quyết định đình chỉ hơn 10 cơ sở sản xuất than củi đang hoạt động trên địa bàn các xã vì không đảm bảo thủ tục theo quy định của pháp luật. Nếu đến ngày 30/9/2017, các cơ sở này chưa đảm bảo thủ tục sẽ phải tự tháo dỡ hoặc bị cưỡng chế.

Hoài Thu ( T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Khai tử hơn 100 cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm