Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ

CTTĐTYB|13/08/2017 10:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Để chủ động kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ, Sở Y tế có công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh các khu vực thường bị ngập úng khi mưa lũ

Công văn nêu rõ, trong thời gian gần đây mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng, sạt lở đất ở nhiều địa phương đặc biệt lũ ống, lũ quét tại huyện Mù Cang Chải gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và người dân. Tại những nơi bị ngập, úng, lũ ống, lũ quét môi trường bị ô nhiễm, người dân thiếu nước sạch để sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trong khi việc triển khai các biện pháp ứng phó còn lúng túng, hiệu quả thấp tại nhiều địa phương. Dự báo trong thời gian tới mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Thực hiện Công điện số 862/CĐ-BYT ngày 03/8/2017 của Bộ Y tế về triển khai công tác y tế trong ứng phó với mưa lũ ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, Công văn số 814/MT-SKCĐ ngày 04/8/2017 của Cục Quản lý môi trường y tế về việc đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường sau lũ lụt. Để chủ động kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ, Sở Y tế yêu cầu trung tâm Y tế, các đơn vị triển khai ngay một số nội dung sau:

Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng nước tại các nhà máy nước, cơ sở cấp nước tập trung, các nguồn nước nhỏ lẻ hộ gia đình, nhất là các khu vực thường bị ngập úng khi mưa lũ.

Phổ biến, hướng dẫn người dân cách xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch dùng cho ăn uống và sinh hoạt trước, trong và sau lũ, lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Sổ tay hướng dẫn xử nước và VSMT trong mùa bão lụt, đăng trong Website của Cục Quản lý môi trường Y tế tại địa chỉ: http://vihema.gov.vn/so-tay-huong-dan-xu-ly-nuoc-va-ve-sinh-moi-truong-trong-mua-bao-lut.html; hoặc Hướng dẫn các biện pháp xử lý nước hộ gia đình đơn giản đăng tại: http://vihema.gov.vn/huong-dan-mot-so-bien-phap-xu-ly-nuoc-ho-gia-dinh-bang-cac-bien-phap-don-gian.html).

Rà soát, bổ sung cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, con người đảm bảo sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống mưa lũ xảy ra. Đặc biệt là việc sử dụng, vận hành các máy phun, bình phun hóa chất thanh khiết môi trường.

Tại các địa bàn có xảy ra ngập úng, lũ quét…,tùy mức độ và tình hình cụ thể, trung tâm y tế cần tổ chức các đoàn công tác hoặc cử cán bộ xuống hỗ trợ y tế cơ sở và người dân xử lý môi trường trong và ngay sau khi nước rút, thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết; xử lý nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả để báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Riêng về phòng chống ngộ độc thực phẩm trong và sau lũ giao cho Chi cục an toàn thực phẩm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả báo cáo.

CTTĐTYB

Bài liên quan
  • Chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ bất thường
    Theo dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Trong số những thiên tai dị thường, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ