Đáng sống hơn với đô thị thông minh

Theo KTĐT|03/02/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thế giới đang chứng kiến xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ. Đến năm 2050, hơn 60% dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở các TP. Làm cho những TP này trở nên đáng sống hơn bằng cách sắp xếp các dịch vụ hợp lý, hiệu quả và bền vững chính là cốt lõi của khái niệm đô thị thông minh.

>>>Chất thải nhựa ô nhiễm nhất hành tinh là đầu lọc thuốc lá.

>>> Động đất ập xuống Indonesia và Nhật Bản cùng 1 ngày

Ảnh minh họa

Cải thiện chất lượng dịch vụ

Việc phát triển đô thị thông minh hiện nay không còn là dự báo mà đã trở thành một xu hướng quan trọng có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị phải đối mặt. Theo nghiên cứu, ngành công nghiệp xây dựng thành phố thông minh dự kiến sẽ là một thị trường lên tới 400 tỷ USD vào năm 2020, với 600 TP trên thế giới.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Thái Lai – CEO Siemens Việt Nam cho rằng, sự gia tăng và già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp của hạ tầng cơ bản, sự khan hiếm nguồn lực, nhu cầu và kỳ vọng thay đổi là những thách thức mà các TP trên thế giới phải đối mặt. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển mạnh của các TP do đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh cũng gây ra áp lực lớn cho những người ra quyết sách và kế hoạch hóa đô thị phải đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời vận hành các thủ đô phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý. Giải pháp hiệu quả cho các thách thức nói trên là phải phát triển các TP trở thành thành phố thông minh.

Theo ông Lai, từ “thông minh” không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm những khía cạnh về xã hội và yếu tố con người trong một TP. Các đô thị thông minh sẽ được trang bị đầy đủ thông tin, được kết nối và đáp ứng được các nhu cầu của cư dân, hướng tới con đường phát triển bền vững và một sự thịnh vượng về nhiều mặt. Một đô thị thịnh vượng và hiện đại sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin và truyền thông. Một cơ sở hạ tầng thông minh và bền vững sẽ tạo điều kiện tăng cường phát triển kinh tế. Những yếu tố này có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu suất và công suất của cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho cư dân, cơ hội kinh tế và chất lượng cuộc sống.

Với Singapore, công nghệ thông tin không chỉ biến đổi Singapore thành một quốc gia thông minh mà công nghệ này cũng có nhiệm vụ phục vụ từng công dân, không để bất cứ người nào ở lại phía sau. Các trung tâm kết nối công dân (Citizen Connect Centres) đã được thành lập có nhiệm vụ hỗ trợ công dân thiết lập hồ sơ điện tử. Hồ sơ điện tử này được sử dụng cho nhiều hoạt động như khai báo thuế, vay mượn ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và trong những dịch vụ tư pháp.
Bà Esmeralda Swartz – người đứng đầu chiến lược và tiếp thị thuộc bộ phận kinh doanh phần mềm của hãng Ericsson khẳng định, các TP thông minh cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, từ những thứ đơn giản nhất trở đi. “Ví dụ, bạn muốn tìm chỗ đỗ xe. Giờ đây, thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc qua những cảm biến, bạn sẽ biết chính xác nơi nào cần đi và không cần phải chạy quanh tìm kiếm. Những điều đơn giản đó chính là những thứ chúng ta cần trong sự cải thiện về tương tác dịch vụ của một đô thị thông minh” – bà Swartz nói.
6 thước đo của một đô thị thông minh

Theo tổ chức Smart Cities Council, được sử dụng lần đầu vào những năm 1990, thuật ngữ “đô thị thông minh” hay “thành phố thông minh” (Smart City) là tầm nhìn phát triển đô thị tiến hành hợp nhất công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) thành một hệ thống quản lý vững chắc đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của một TP.

Chức năng của một “đô thị thông minh” là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và tin học để cải thiện chất lượng các dịch vụ kể trên. ICT sẽ tạo điều kiện cho chính quyền TP có cơ hội tương tác trực tiếp với cộng đồng dân cư và kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đồng thời chính quyền địa phương cũng sẽ chủ động giám sát mọi diễn biến xảy ra trong TP để nâng cao chất lượng cuộc sống.

6 khái niệm cơ bản được sử dụng để mô tả các tham số cụ thể khi lên kế hoạch xây dựng một đô thị thông minh gồm: Bảo vệ môi trường, lối sống bền vững, quản trị thông minh, kinh tế thông minh, lưu động bền vững và công dân thông minh. 6 khái niệm trên cũng là 6 thước đo để nhận dạng và xếp loại đô thị thông minh đòi hỏi các nhà xã hội học và các nhà kiến trúc sư tiến hành xây dựng các khu đô thị thông minh nhằm theo kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu cuộc sống thiết thực của người dân, giúp cộng đồng hướng tới phát triển lối sống bền vững.

Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp

Một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh là chính phủ điện tử (eGoverment), áp dụng công nghệ vào quản lý hành chính công để phục vụ người dân. Nói không sai, chính quyền điện tử là một trong những trụ cột quan trọng của đô thị thông minh. TP Deflt (Hà Lan) nổi tiếng với phương pháp tập trung vào việc kết hợp các nguồn lực, con người và hệ thống để thực hiện những thách thức lâu dài để trở thành một TP tiến bộ, bền vững.

Không thể tách rời chính quyền điện tử với đô thị thông minh. Hai khái niệm này không chỉ nhắm đến việc điều hành quản lý mà cao hơn hết là nhắm đến sự phục vụ. Rõ ràng, mục tiêu tổng thể của chính phủ điện tử là để cung cấp quản trị tốt hơn cho tất cả các nhóm mục tiêu. Chính phủ điện tử cũng mở ra khả năng cải thiện nền kinh tế với sự trợ giúp của thương mại điện tử, cho phép cải thiện việc thực hiện thủ tục hành chính và tài chính cho các DN.

Nhu cầu cho sự phát triển của chính phủ điện tử mà trước hết là chính quyền đô thị điện tử nay đã khác rất nhiều so với chỉ vài năm trước, nhờ sự tiến bộ của công nghệ, việc định nghĩa và định hướng đô thị thông minh đã tiến lên những cấp bậc mới mà trong cuộc cạnh tranh này không TP nào muốn trở nên lạc hậu.

Từ những cơ sở nền tảng đô thị thông minh như hạ tầng kỹ thuật cũng như số người sử dụng internet, các thành phố thông minh nay nhắm đến những lợi thế của mình để tạo nên sự khác biệt khả dĩ tạo nên sự hấp dẫn và sức cạnh tranh cho riêng thành phố so với khu vực và với các thành phố thông minh khác. Đơn cử, Singapore là một trong 6 thành phố thông minh nhất trên thế giới với 98% các dịch vụ công cộng có thể truy cập trực tuyến. Như trong lĩnh vực chính phủ điện tử, Singapore đang là nước dẫn đầu với hệ thống dịch vụ hồ sơ điện tử (IRAS), passport điện tử (MHA) và tín dụng điện tử (NLB). Đó là những công cụ của một chính phủ điện tử, không chỉ đáp ứng nhanh nhất thế giới mà còn thông minh nhất thế giới, giúp Singapore vượt lên các quốc gia trong khu vực.

Một điểm đáng chú ý khác trong xây dựng đô thị thông minh mà bất cứ quốc gia nào cũng nên học hỏi ở Singapore đó là Kiến trúc xanh (Green Building) hay Kiến trúc bền vững (Sustainable Architecture). Kiến trúc xanh là 1 trong 4 tiêu chí để định hình một đô thị thông minh đúng nghĩa, đạt chuẩn và đáng sống. Bên cạnh đó, các thùng rác thông minh đã được đưa vào sử dụng từ năm 2015 như một phần trong chương trình quản lý rác thải thông minh. Bộ phận cảm biến trên các nắp thùng rác sẽ giúp phân loại chất thải và nơi cần vứt, từ đó giảm thiểu lượng công việc cho nhân viên vệ sinh, đồng thời luôn giữ gìn môi trường sạch đẹp.

Ngoài ra, vì hướng tới tiêu chí hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường, nhiều thiết bị cảm biến đã được lắp đặt trong các đồ gia dụng như thiết bị chiếu sáng. Các thiết bị này sẽ tự động tắt nếu không có ai sử dụng. Tại các tòa nhà và khu văn phòng, hệ thống chiếu sáng thông minh cũng tự động điều chỉnh thông qua cảm biến các chuyển động cũng được ứng dụng rộng rãi.

Theo KTĐT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáng sống hơn với đô thị thông minh