Đầu hè 2019: Giá điện tăng chóng mặt, nhiều người bị “sốc”

Thu Phương (t/h)|24/04/2019 06:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Giá điện tăng trùng với thời điểm nắng nóng gay gắt nên số tiền tiền chi trả càng tăng vọt khiến nhiều gia đình phát hoảng khi nhận hóa đơn tiền điện.

Ngay trung tuần tháng 4, những hộ gia đình nhận được thông báo tiền điện đã phản ánh tiền điện tăng mạnh so với tháng trước. Theo lý giải của đại diện EVN Hà Nội, tiền điện của các hộ gia đình tăng trong tháng vừa qua do tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công thương công bố ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT và do lượng điện tiêu thụ tăng lên khiến tổng số tiền thanh toán phải tăng theo.

Theo đó, mức giá bình quân tăng 8,36% (từ 1.740,65 đồng/kWh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh). Chỉ với mức tăng này, một khách hàng sử dụng điện khoảng 350 kWh thì tiền điện tăng thêm hơn 48.000 đồng so với mức giá cũ.

Người dân lo lắng khi giá điện tăng.

Nguyên nhân giá điện tăng

Bài toán được đặt ra ở đây là: giá điện tăng gần 8.4% thì mỗi tháng chi phí chi tiêu của các hộ gia đình sẽ thay đổi như thế nào? Cũng theo EVN, chính thức tăng giá điện thêm ít nhất 8.37%, nếu làm phép toán cấp 1 đơn giản thì thấy là mức tăng này không nhiều.

Một chuyên gia ngành điện cho rằng việc sử dụng điện càng nhiều, tiền điện càng tăng cao vì cách tính tiền điện cho đối tượng sinh hoạt hiện nay đang áp dụng theo lũy tiến bậc thang. Lượng điện sử dụng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.

Lấy thử một ví dụ trước mỗi tháng nhà bạn xài hết 1 triệu tiền điện thì nay tốn thêm 84 nghìn, thành 1.084.000 nghìn, giá trị tăng 84 nghìn này tương đương 3 ly cafe. Tuy nhiên, gần đây có rất nhiều bạn lại đăng tải trên mạng xã hội rằng thực tế tiền điện nhà họ tăng rất nhiều, có chỗ tăng 50%, thậm chí có nhà tăng gấp đôi. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Nguyên nhân thứ 2 và là nguyên nhân chủ yếu khiến tiền điện tăng là nhu cầu sử dụng điện tăng do nắng nóng. Ông Nguyễn Duy Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc EVN HCMC – cho hay từ đầu tháng 3, tại các tỉnh thành Nam Bộ, trong đó có TP.HCM đã xuất hiện nắng nóng, nhiều thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên trên 37 độ C. Điều này khiến nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, nhất là máy lạnh.

Ghi nhận trên hệ thống lưới điện cho thấy nếu như ngày 27-3, sản lượng điện sử dụng thực tế trên toàn địa bàn TP.HCM đạt 83,45 triệu kWh/ngày thì qua đến giữa tháng 4 sản lượng này đã tăng đến 86 triệu kWh/ngày.

Theo dự báo, tình hình nắng nóng tiếp diễn trong các tháng 4, 5 và 6. Vì vậy, ông Việt dự báo hóa đơn tiền điện của khách hàng sử dụng điện trong các tháng này sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên mức tăng cụ thể ra sao tùy vào từng trường hợp do nhu cầu sử dụng khác nhau. Riêng các hộ dân phản ảnh tăng hơn 3 lần, đại diện EVN HCMC cho biết sẽ kiểm tra từng trường hợp và sẽ thông tin cụ thể.

Một nguyên nhân khác, theo ông Việt, trong tháng 2-2019 chỉ 28 ngày nhưng từ tháng 3 trở đi có 30 hoặc 31 ngày. Điều này cũng khiến số ngày tiêu thụ điện từ tháng 3 trở đi nhiều hơn ít nhất 2 ngày so với tháng 2, khiến lượng điện sử dụng nhiều hơn cũng góp phần làm cho tiền điện của khách hàng tăng hơn trước.

Tiền điện tăng đột biến do giá tăng đúng thời điểm nắng nóng

Chị H.N.M sống tại chung cư Miếu Nổi, P.3, Q.Bình Thạnh, cho biết “bị sốc” khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 với số tiền phải trả tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Chia sẻ chuyện này với nhiều người quen, đồng nghiệp, chị Minh mới biết nhiều người cũng “chịu chung số phận”.

Lục lại các phiếu thông báo tiền điện từ cuối năm 2018 qua đầu năm 2019, chị M cho biết mỗi tháng tiêu thụ điện từ 81 kWh đến khoảng 120 kWh, tương ứng với số tiền điện hằng tháng khoảng 140.000 – 210.000 đồng. Qua tháng 3 tiền điện tăng nhẹ lên hơn 240.000 đồng và đến hóa đơn tháng 4, tiền điện tăng vọt lên tới 738.000 đồng (gấp 3 lần so với tháng trước).

“Nhà tôi có hai mẹ con, một máy lạnh, tủ lạnh nhỏ xíu. Bình thường hằng ngày con tôi đi học, tôi thì đi làm tận 7-8h tối mới về, máy lạnh bật đến khoảng 4h sáng mỗi ngày là tắt. Đã nhiều năm nay sống ở đây, chưa bao giờ tiền điện lại tăng nhiều như vậy” – chị M nói.

Không riêng gì chị H.N.M, anh N.S sống tại đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6 cho hay do nhà sử dụng đến 3 máy lạnh nên mỗi tháng phải trả 2,8 – 2,9 triệu đồng tiền điện. Nhưng hóa đơn tiền điện tháng 3 (ngày ghi điện nhà anh Sơn 25 hằng tháng – PV) tiền điện đã tăng lên gần 3,8 triệu, anh Sơn cũng lo lắng hóa đơn trong tháng 4 này tiền điện có thể còn tăng hơn nữa.

Trong khi đó anh Thật, nhà tại khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cho hay nhà anh cũng có 3 máy lạnh, cũng “giật mình” khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 đến 3,7 triệu đồng. “Tôi nghĩ điện vừa tăng giá, rồi nắng nóng…, nếu có tăng thì chỉ tăng gấp đôi, chứ đâu ngờ tăng nhiều như vậy. Hỏi thăm hàng xóm mới biết nhiều trường hợp cũng giống như mình” – anh Thật thông tin.

Không chỉ tiền điện tăng, anh Sơn còn bất ngờ với phiếu thông báo tiền điện tháng 3 khác lạ hơn so với những phiếu thông báo trước đó. Tờ phiếu thông báo này chỉ ghi chỉ số điện mà không nói số tiền cụ thể.

“Tôi thắc mắc thì nhân viên ghi điện chỉ bảo tải app, nhập mã khách hàng gì đó sẽ biết cụ thể chứ phiếu thông báo lần này không ghi số tiền” – anh Sơn cho hay. Nhiều người dân khác đặt vấn đề với cách thông báo như trên, liệu ngành điện có mập mờ gì trong cách tính tiền điện? Việc này cũng gây khó cho những người phải trực tiếp đi đóng tiền điện vì không biết phải cầm theo bao nhiêu tiền cho đủ.

Chị Hoàng Thị. H. (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị mới nhận được thông báo tiền điện tháng 3. Theo đó, gia đình chị có 4 người, tiêu thụ hết 449 số điện và phải thanh toán số tiền 1.122.949 đồng (làm tròn), tăng thêm 366.855 đồng so với tháng trước (tháng 2, gia đình chị tiêu thụ 322 số điện, phải trả 756.094 đồng).

Ngoài lượng tiêu thụ nhiều hơn do oi nóng thì giá điện tăng cũng khiến tiền điện nhà chị H. phải chi thêm 44.107 đồng (tăng 4,08%). Bởi, nếu tính theo giá điện cũ (trước ngày 20/3/2019), tiền điện tháng 4 gia đình chị H. chỉ phải thanh toán 1.078.842 nghìn đồng (đã tính thuế VAT).

Hai vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Đ. (trú tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, chỉ dùng hai bóng đèn trong nhà và ngoài sân, những ngày nắng nóng phe phẩy thêm một cái quạt điện. Bình thường hàng tháng tiền điện chỉ hết khoảng trên dưới 50 nghìn đồng. Tháng 4, hai ông bà dùng hết 38 số điện, chi trả 70.140 đồng, thêm 5.392 đồng, tăng 8,32% (tháng 3 phải trả 64.748 đồng).

Giá điện tăng trùng với thời điểm miền Nam nắng nóng gay gắt nên số tiền phải chi trả càng vọt lên khiến nhiều gia đình ngỡ ngàng.

Còn chuyện các tỉnh thuộc Nam bộ đang rất nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện để làm mát cũng tăng cao, đó là điều dễ hiểu, xuất phát từ nguyên nhân khách quan chứ không phải là sự đột biến.

Thu Phương (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu hè 2019: Giá điện tăng chóng mặt, nhiều người bị “sốc”