Đâu là sự thật đằng sau bức ảnh “Con đường rượu thịt” gây sốt trên mạng

Minh Tuấn|09/02/2017 09:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Trong mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh mỗi người một mâm cỗ với lời bình “con đường rượu thịt” gây sự chú ý của cộng đồng mạng, cùng với đó là những bình luận suy diễn, không đúng sự thật đã làm cho mọi người hiểu sai lệch về một nghi lễ đã có từ hàng chục năm nay.

Sau khi tìm hiểu thì được biết đây là tục lệ cúng Thổ công (có nơi gọi là Thổ kỳ) và Miếu thờ Thần còn gọi là Nghè tại thôn Tân Tạo, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Để có cái nhìn khách quan, thấu đáo, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã tìm về xã Nhật Tiến.

2_233104Bức ảnh “con đường rượu thịt” gây bão trên mạng xã hội thời gian qua

Khi được hỏi về bức ảnh được lan truyền trên mạng, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch UBND xã Nhật Tiến xác nhận: “Bức ảnh được lan truyền trên mạng là phong tục thờ Thổ Công của người dân thôn Tân Tạo. Còn những bài viết và bình luận cho rằng cỗ được bày trên đường đi, mọi người dự lễ đều phải ăn uống say sưa, bất kỳ ai đi qua cũng phải nán lại uống đến khi say mới được đi tiếp… Điều này là hoàn toàn không đúng, suy luận, làm sai lệch mất đi sự tôn nghiêm cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống từ nhiều đời nay của người dân thôn Tân Tạo và gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Đây là tập tục có từ xa xưa, là ngày hội của làng, buổi lễ là một cuộc họp bàn về những vấn đề sẽ tiến hành trong năm mới và cũng là một sự chuẩn bị cho ngày xuống đồng. Khi lễ xong thì người ta có thể ăn uống tại đấy hoặc có thể mang về. Ngoài chủ nhân của các mâm cỗ, những người đi ngang qua sẽ được người làng mời vào dự và thưởng thức cùng. Đây cũng là một phong tục đẹp, giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm và thể hiện lòng hiếu khách của người dân nơi đây từ xa xưa mỗi dịp xuân về”.

1_208333

Bức ảnh “con đường rượu thịt” được chụp vào dịp làng Tân Tạo dâng lễ tại miếu thờ Thổ Công

Untitled 6

Hình ảnh đời thường Miếu Thổ công tại thôn Tân Tạo, xã Nhật Tiến nơi được cho là chụp bức ảnh “con đường rượu thịt”

Ông Hoàng Văn Quang – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ: Đây là phong tục thờ Thổ công đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng dân cư nơi đây. Lễ Thổ công tại thôn Tân Tạo thường được tổ chức vào ngày mùng 2 tết hằng năm, theo đó mỗi gia đình thường tự chuẩn bị cho mình một mâm Lễ với các sản vật là thành quả trong lao động sản xuất để mang ra miếu thờ Thổ công, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, sau lễ cúng mọi người cùng thụ lộc, đồng thời trao đổi, trò chuyện về canh tác mùa vụ lao động sản xuất và thống nhất những việc của cộng đồng dân cư trong năm mới.

Ông Nguyễn Quang Hưng  cho biết thêm: Tại thôn Tân Tạo, xã Nhật Tiến huyện Hữu Lũng, có hai nơi tổ chức đặt mâm Lễ là tại miếu thờ Thổ công và Miếu thờ Thần Đá của thôn, do diện tích không gian của sân ở hai địa điểm này đều hẹp tiếp giáp với đường làng và bờ sông nên các hộ gia đình phải bày lễ xung quanh Thổ công và Miếu thờ Thần Đá, do vậy nếu chỉ nhìn bằng hình ảnh chụp sẽ không xác định được không gian và tạo cho người xem lầm tưởng rằng mâm Lễ được bày trên đường đi.

Theo ông Linh Văn Héo, 87 tuổi, một trong số ít người cao tuổi trong thôn Tân Tạo cho biết: “Từ khi ông còn nhỏ tại thôn đã có miếu thờ Thổ Công và miếu thờ Thần Đá, khi đó toàn thôn chỉ có 05 hộ gia đình, năm nào cũng vậy gia đình ông cùng các gia đình khác trong thôn đều làm mâm Lễ ra cúng tại Thổ công vào ngày mùng 2 Tết và cúng tại Miếu thờ Thần Đá vào ngày mùng 4 Tết. Sau khi dâng Lễ xong, các gia đình lại quần tụ để thụ lộc, vừa cùng bàn bạc các việc trong thôn, phong tục này được duy trì đến nay, tuy nhiên hiện nay do số hộ trong thôn đã đông hơn nhiều (gần 70 hộ) mà sân Thổ công và Miếu thờ lại chật hẹp, các gia đình chỉ cử một người đại diện cho từng hộ, các mâm Lễ phải bày ra cả hai bên cạnh Thổ công và Miếu thờ”.

Còn anh Linh Văn Lâm – một người trẻ tuổi (đoàn viên thanh niên) trong thôn được gia đình cử đại diện tham gia buổi Lễ cho biết thêm: “Nghi lễ do một người cao tuổi được thôn cử đại diện làm chủ lễ, khi các nghi lễ thực hiện xong mọi người cùng thụ lộc nhưng việc này diễn ra rất trật tự do tính linh thiêng của nghi lễ, quá trình thụ lộc có việc mời nhau thưởng thức những món ăn trong mâm lễ của từng gia đình, tuy nhiên không có việc ép uống say”.
Untitled2

Ông Khổng Hồng Minh – Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hữu Lũng

Ông Khổng Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: “Đây là một phong tục đã được nhân dân lưu truyền và duy trì từ hàng chục năm qua, không chỉ riêng thôn Tân Tạo, xã Nhật Tiến mà một số thôn, xã khác trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng có phong tục tương tự như vậy. Có thể nói đó là một nét văn hoá khá độc đáo của cộng đồng dân cư có tác động tích cực trong nhân dân về lao động sản xuất. Trong thời gian tới về phía ngành chúng tôi sẽ hướng dẫn thêm để các thôn thực hiện bài bản hơn, xếp đặt, bài trí gọn gàng cũng như đảm bảo trật tự, vệ sinh hơn”.

Từ những tìm hiểu thực tế, cùng các ý kiến của người có trách nhiệm cũng như của người dân cho thấy, đây là một phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống tại thôn Tân Tạo, xã Nhật Tiến nói riêng trên địa bàn huyện Hữu Lũng nói chung đã được lưu truyền qua nhiều đời và cần được bảo tồn. Thiết nghĩ nét văn hoá truyền thống như vậy cần có những bài viết,  những chia sẻ để phát huy giá trị đó, do vậy không nên suy diễn sự việc một cách thiếu khách quan mà phải tìm hiểu kỹ lưỡng, phản ánh chân thực, đúng bản chất thì mới tạo được sự đồng thuận và có giá trị bảo tồn, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến phong tục truyền thống, đánh mất đi giá trị nhân văn đã đuợc lưu truyền từ nhiều đời nay./.

Minh Tuấn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu là sự thật đằng sau bức ảnh “Con đường rượu thịt” gây sốt trên mạng