Đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở Lạng Sơn

Minh Anh|03/09/2020 01:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lạng Sơn là tỉnh có hơn 80% diện tích đất lâm nghiệp, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng.

Đến nay, tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn lên tới trên 60%. Đặc biệt, công tác xã hội hóa nghề rừng thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư, qua đó đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng.

Cùng với việc phát triển rừng nguyên liệu, hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã có nhiều chuyển biến phát triển theo vùng sản phẩm; đặc biệt là sự liên kết giữa các chủ rừng với các cơ sở chế biến tạo thành mối liên kết phát triển bền vững giữa trồng rừng và chế biến lâm sản.

Ảnh minh họa

Lạng Sơn hiện có 171 doanh nghiệp và xưởng chế biến gỗ, hằng năm chế biến khoảng 20.500 m3 ván xẻ, 45.500 m3 ván bóc, 20.000 tấn nhựa thông, 6.000 đến 6.500 tấn hồi khô. Tại huyện Hữu Lũng, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Sao Bắc Việt đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao với các dây chuyền tự động hóa; sản phẩm ván ép đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tại hai huyện Lộc Bình và Ðình Lập, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nhựa thông xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ðể tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển lâm nghiệp, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp có hiệu quả, hội nhập được với xu thế thị trường thế giới về sản phẩm lâm nghiệp, thời gian tới, tỉnh xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm gồm: Tập trung các biện pháp quản lý và kỹ thuật để cải thiện chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng nguyên liệu tập trung, ổn định; áp dụng các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tổ chức khâu chế biến lâm sản hợp lý để nâng cao giá trị rừng trồng và giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh; thúc đẩy mở rộng thị trường đối với các sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh, nhất là các thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành việc sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm, bộ máy tổ chức xắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối quản lý nên công tác chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hơn. Cùng với đó, việc hoàn thành chuyển giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình về Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam để cơ cấu lại hoạt động mang lại hiệu quả.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở Lạng Sơn