Đẩy nhanh xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch

Theo Monre|12/04/2018 04:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –  Thực hiện Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, sáng ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà – Trưởng Ban soạn thảo và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đến từ các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an…

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có lãnh đạo các đơn vị: Vụ Pháp chế; Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Khí tượng thủy văn; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Biến đổi khí hậu cùng một số chuyên gia, nhà khoa học.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường – Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết: Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch gồm 6 chương với 59 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch điều chỉnh chung đối với các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước, bao gồm các nội dung: nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; nội dung của quy hoạch; công bố, cung cấp thông tin quy hoạch; thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch; quản lý nhà nước về quy hoạch…

Tại Điều 5 của Luật Quy hoạch đã xác định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm có quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia); quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn. Luật cũng quy định cụ thể mối quan hệ giữa các loại quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống quy hoạch.

Theo Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Luật Quy hoạch xác định 25 Luật quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 07 dự án luật cần phải sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Cụ thể gồm: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, việc cần phải xây dựng và trình Quốc hội một dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật này là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật chung về quy hoạch tại Luật Quy hoạch và các quy định về quy hoạch tại hệ thống pháp luật chuyên ngành…

Về mục tiêu của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đó là đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật trong hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh về các loại quy hoạch của quốc gia; thực hiện chỉnh sửa tổng thể, toàn diện các nội dung về quy hoạch tại các luật chuyên ngành tài nguyên và môi trường theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã thông qua quan điểm xây dựng dự án Luật. Theo đó, việc sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch tại dự án Luật này phải bảo đảm duy trì các mục tiêu, yêu cầu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường, pháp luật về quy hoạch. Đồng thời cần nghiên cứu, xem xét đến tính ổn định của hệ thống quy hoạch của ngành đã, đang được triển khai từ trước đến nay và đề xuất xây dựng các biện pháp để xử lý chuyển tiếp đối với các quy hoạch đó…

Các thành viên dự họp cũng đã xem xét, thống nhất với các nhóm nội dung cần phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Luật Quy hoạch gồm: Thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; Quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; Trình tự của hoạt động quy hoạch; Xác định nội dung quy hoạch; Công bố, cung cấp thông tin quy hoạch; Trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch…

Về bố cục và nội dung dự thảo Luật, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (sau đây gọi tắt là Luật sửa các Luật liên quan đến quy hoạch) gồm 09 Điều (07 điều sửa đổi, bổ sung 07 Luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 Điều xử lý nội dung chuyển tiếp và 01 Điều về điều khoản thi hành luật). Nội dung sửa đổi các điều, khoản, điểm tại các Luật liên quan đến quy hoạch so với nội dung tại Phụ lục số 03 Luật Quy hoạch…

Cơ bản thống nhất với Dự thảo mà Ban soạn thảo xây dựng, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đến từ các bộ, ngành đã phát biểu xây dựng và thẳng thắn đóng góp vào các nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch. Hầu hết các ý kiến đều cho biết đây là một dự án Luật khó, thời gian cấp bách nên cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.

Quang cảnh cuộc họp

Tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp sáng 11/4, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó trưởng Ban soạn thảo cho biết, các ý kiến của đại diện các bộ, ngành và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung vào các nội dung cần xin ý kiến Ban soạn thảo và một số nội dung khác về dự thảo Luật. Theo Thứ trưởng, các thành viên Ban soạn thảo đã thống nhất quan điểm trên cơ sở Phụ lục 3 của Luật Quy hoạch để xây dựng Dự án Luật này. Bên cạnh đó, với những nội dung mà Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch không đưa vào, Thứ trưởng yêu cầu giải trình một cách rõ ràng với Chính phủ, Quốc hội. Với các ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành phát biểu, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế tiếp thu và hoàn thiện ngay dự thảo sau cuộc họp này để gửi lấy ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm của các thành viên Ban soạn thảo, Ban biên tập trong việc xây dựng dự án Luật này.

Qua ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Bộ trưởng mong muốn qua mỗi cuộc họp, cần có sự thống nhất về nội dung. Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên dự họp thống nhất quan điểm Luật Quy hoạch là Luật có tính pháp lý cao nhất về quy hoạch. “Vì vậy nguyên tắc mà chúng ta cần phải quán triệt, cần phải chấp hành đó là tất cả những gì nói về quy hoạch đều cần phải tuân theo Luật Quy hoạch” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng đề nghị, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật này, Tổ Biên tập và các đơn vị rà soát kỹ các nội dung không chỉ liên quan đến công tác quy hoạch mà còn cả các nội dung liên quan đến các Luật chuyên ngành có điều chỉnh về quy hoạch còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất… để có đủ cơ sở giải trình, báo cáo Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Khẳng định việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch là một dự án Luật rất khó, vì vậy, bên cạnh việc đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự thảo Luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn Ban soạn thảo dự án Luật thường xuyên có liên hệ với các Ban soạn thảo các dự án sửa đổi Luật Quy hoạch chuyên ngành; tham khảo, chia sẻ thông tin giữa các dự thảo luật với nhau để đảm bảo không bị chồng chéo và việc xây dựng dự án Luật đạt kết quả cao…

Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật

Ngày 23/01/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-BTNMT thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của các Luật: Đất đai, Bảo vệ môi trường, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính Ngoại giao, Quốc phòng, Công an; một số đơn vị có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số chuyên gia, nhà khoa học… Ban soạn thảo do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm Trưởng ban; Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa làm Phó ban; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT Phan Tuấn Hùng làm Tổ trưởng Tổ biên tập.

Đồng thời Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – Trưởng ban soạn thảo cũng đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch chi tiết đến từng tháng, phân công cụ thể các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng các nội dung của dự thảo Luật.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch