ĐBSCL: Sụt lún nghiêm trọng vì khai thác nước ngầm quá mức

Thanh Hương (T/h)|19/06/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Tài nguyên – môi trường nhận định: khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng 18-6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì diễn dàn “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL”.

Ông Hà nhấn mạnh, ĐBSCL đang chịu áp lực lớn nhất về tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời chịu tác động kép từ chính quá trình phát triển nội tại chưa bền vững ở ĐBSCL.

“Tiếp nữa, những tác động từ biến đổi khí hậu đến sớm hơn các kịch bản dự báo, sụt lún, sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển cũng gia tăng”- ông Hà nói. Theo ông Hà, các giải pháp đối với ĐBSCL đều phải tiếp cận theo hướng thuận thiên, coi tài nguyên nước là yếu tố quyết định sự “sống còn” của vùng Đồng bằng.

Khai thác nước ngầm gây sụt lún ở cả khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh

Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh

Báo cáo về quản lý tài nguyên nước và giải pháp ứng phó với sụt lún khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL, ông Hoàng Văn Bảy, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đã nêu thực tế sụt lún đất đang diễn ra ở cả TP.HCM và ĐBSCL.

Nêu kết quả nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, ông Bảy cho biết: năm 2012 Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy đã hợp tác với Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc sụt lún bằng ảnh vệ tinh cho thấy: trong 20 năm qua tỉnh Cà Mau đã mất đất hoặc bờ biển bị lùi vào từ 100m đến 1,4km. Kết quả này cũng đánh giá sơ bộ, sụt lún ở Cà Mau có thể đã lên đến 30-70cm ở nhiều nơi.

Trong giai đoạn 2, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), Tổng cục Thủy lợi lắp đặt thiết bị quan trắc lún tại 3 vị trí đại diện được lựa chọn ở tỉnh Cà Mau. Kết quả đo năm 2017 – 2018 cho thấy ở Cà Mau, tốc độ lún trung bình là 3cm/năm.

Ông Bảy cũng cho biết: một tập đoàn của Pháp đã nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ INSAR trong giám sát biến động bề mặt đất ở TP. HCM giai đoạn 2015-2017. Kết quả bước đầu cho thấy: tốc độ lún đất tại Quận 8 thay đổi từ 0,4mm/năm đến 38,7mm/năm, trung bình 11,1mm/năm.

Còn kết quả nghiên cứu đo đạc sụt lún đất do Bộ TN-MT thực hiện trong giai đoạn 2014, 2015 và 2017 với 339 mốc đo ở TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, ông Bảy cho biết: kết quả đo so với giá trị cao độ đo năm 2005 cho thấy 306 mốc lún, 33 mốc không lún hoặc nâng.

Trong 306 mốc lún, tốc độ lún biến đổi từ 0,01 – 6,8cm/năm, trung bình 1,07cm/năm.

Cũng theo ông Bảy, căn cứ vào mức độ lún đo được tại 339 mốc đo nêu trên, đã sơ bộ phân vùng theo mức độ lún, gồm: Vùng có mức độ lún nhỏ hơn 5cm khoảng 12,16 nghìn km2 ( gồm Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An); Vùng lún từ 5 – 10cm khoảng 8,43 nghìn km2 (Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang); Vùng lún lớn trên 10cm khoảng 3,39 nghìn km2 (TP. HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).

Đối với vùng lún dưới 5cm, ông Bảy cho biết có 97 mốc, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang 23 mốc, Long An 28 mốc, Kiên Giang 16 mốc. Khu vực các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang không có mốc lún dưới 5cm.

Đối với vùng lún từ 5 – 10cm, có 72 mốc, phân bố chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng 17 mốc, Kiên Giang 11 mốc, Cần Thơ 9 mốc, các tỉnh Vĩnh Long và TP. HCM hiện không có mốc có mức độ lún từ 5-10cm.

Đề xuất khoanh vùng, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm

“Tổng thể chung toàn vùng thì ở những vùng không bị lún, có mật độ khai thác nước nhỏ và ngược lại đối với vùng bị lún. Đối với các vùng có mức độ lún khác nhau, vùng lún cao nhất (trên 10cm) có mật độ khai thác nước ngầm lớn nhất (111 m3/ngày/km2)”- ông Hoàng Văn Bảy nhận định.

Theo ông Bảy, từ thực tế sụt lún, có hai nhóm nguyên nhân được chỉ ra.

Về nguyên nhân tự nhiên, sụt lún do yếu tố địa chất, nhưng xảy ra không đều. Xu hướng sụt lún do yếu tố tự nhiên là vấn đề lâu dài, tốc độ có thể vài mm/năm, nhưng đây là vấn đề không thể đảo ngược, nhưng đang giảm dần.

Còn với nguyên nhân sụt lún do nhân tạo, có thể do suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung và do khai thác nước ngầm quá mức.

“Dù chưa có công trình nghiên cứu cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún nêu trên. Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL” – ông Bảy khẳng định.

Về nguyên nhân do con người, ông Bảy khẳng định có thể áp dụng các giải pháp để can thiệp hạn chế sụt lún.

Theo đó, ông Bảy đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước, nhất là khai thác nước dưới đất. Thực hiện điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức, trên cơ sở đó các địa phương sẽ phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình.

Ngoài ra, theo ông Bảy, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan
  • Cấp bách xử lý xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL
    Moitruong.net.vn – Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 120, Kế hoạch hành động đã được ban hành, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát tại ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Sụt lún nghiêm trọng vì khai thác nước ngầm quá mức