Để không còn những cái chết thương tâm vì xe chở tôn

Nguyễn Long|19/04/2019 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cách đây không lâu, ngày 16 tháng 4 năm 2019, một vụ tai nạn thương tâm đã diễn ra tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai,. Một người đàn ông chạy xe máy do không chú ý đã đâm phải chiếc xe máy chở các tấm tôn sắc, nhưng không được cảnh báo cũng như che chắn an toàn. Những tấm tôn cứa sâu vào cổ, mặt khiến người đàn ông này tử vong tại chỗ.

– Hàng ngày đi trên đường, chúng ta gặp bao nhiêu chiếc xe máy chở theo những bó thép, những thanh sắt như mũi chông nhọn, những tấm tôn sắc như lưỡi dao. Tất cả đều đi nghênh ngang giữa đường phố đông đúc như giữa chốn không người. Và cái chết chỉ là “trời kêu ai nấy dạ” mà thôi.

>>>Việt Nam lần đầu xây dựng con đường từ rác thải nhựa

>>>TX. Điện Bàn (Quảng Nam): Cần xử lý nghiêm bãi kinh doanh VLXD trái phép trong cây xăng Điện Phương

Vâng, cách đây mấy thập kỷ người ta từng bảo: “Ra đường sợ nhất công nông…”, thế nhưng bây giờ ra đường có lẽ sợ nhất là… xe chở tôn, cũng như xe chở các loại vật liệu cồng kềnh mới đúng.

Các phương tiện chở vật liệu cồng kềnh gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người lưu thông qua đường

Chúng ta liên tiếp chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do các phương tiện chở vật liệu như tôn, cọc tre, kính, cây gỗ… gây ra. Rất nhiều trường hợp bị tử vong ngay tại hiện trường.

Ví dụ, một vụ tai nạn liên quan tới xe chở tôn xảy ra cách đây hơn một năm, vào tháng 1 năm 2018, tại tỉnh Quảng Nam, hai người đàn ông đi xe gắn máy đèo nhau đâm phải chiếc xe máy kéo theo xe bò chở tôn đang di chuyển ngược chiều. Bị tôn đâm, cứa vào cổ, bụng, khiến một người chết, một người bị thương rất nặng.

Hay như trường hợp từng gây xôn xao dư luận, xảy ra vào tháng 9 năm 2016, khi một một bé trai tầm 9 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đi xe đạp, do không để ý đã bị đâm vào chiếc xe chở tôn chạy phía trước, và bị tấm tôn cứa đứt cổ dẫn tới mất máu nhiều và tử vong sau đó.

Hậu quả mà các loại xe chở tôn, vật liệu cồng kềnh gây ra thì ai cũng nhận thấy rõ. Thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn thờ ơ, chưa quyết liệt trong việc ngăn cấm, xử phạt nặng tay đối với xe kéo, xe tự chế. Vẫn còn tình trạng các phương tiện này ngang nhiên lưu thông trên đường, gây nhiều hiểm họa cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác.

Dù là ở nông thôn hay thành thị, miền xuôi hay miền ngược, chúng ta cũng không khó bắt gặp hình ảnh người chở tre, nứa, sắt cây, tấm tôn, gỗ tròn loại nhỏ… chạy quá tốc độ, không tuân thủ quy định khi tham gia giao thông.

Hơn nữa, vấn đề nhức nhối này không phải là mới. Cách đây chục năm rất phổ biến tình trạng người dân dùng xe cải tiến vận chuyển cọc tre nhọn dừng đỗ bên đường, cản trở, mất an toàn giao thông.

Rất nhiều người qua đường do không chú ý đã bị những chiếc cọc tre nhọn đâm vào tay, chân gây ra các vết bầm tím, thậm chí mất máu. Nếu tổn thương vùng bụng, ngực sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Từ đó cho thấy, mỗi người khi lưu thông trên đường phải hết sức thận trọng, chớ coi thường tính mạng. Khi thấy các loại xe chuyên chở nhiều đồ cần tránh xa, giảm tốc độ, không phóng nhanh vượt ẩu… để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Vẫn biết nhiều chủ phương tiện đã gắn các tấm biển mang tính “cảnh báo” để người tham gia giao thông khác chú ý. Thế nhưng không thể tránh được các sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những bằng chứng thực tế đó đã gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng trong vấn đề siết chặt những quy định đối với những loại xe chuyên chở các loại vật liệu “đặc biệt” nguy hiểm trên đường phố.

Thiết nghĩ, cần phải có chế tài nghiêm khắc thông qua hình thức phạt thật nặng, thậm chí là tịch thu phương tiện chuyên chở loại vật liệu “đặc biệt” này mà không đảm bảo sự che chắn an toàn… Các đơn vị và cá nhân có trách nhiệm cần sớm vào cuộc, ra quyết định, xét xử nghiêm minh để lập lại trật tự đường phố.

Nguyễn Long


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn những cái chết thương tâm vì xe chở tôn