Đề phòng viêm não Nhật Bản vào mùa dịch

Hà Anh (T/h)|27/05/2019 11:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm. Đây là bệnh nguy hiểm, bởi có thể để lại di chứng, thậm chí gây tử vong.

So với năm 2018, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn (ca bệnh đầu tiên trong năm 2018 được ghi nhận vào giữa tháng 6). Các chuyên gia y tế cảnh báo, tại Việt Nam, mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh này.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh Trung ương (não bộ). Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 1871 và tại Việt Nam vào năm 1952. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do muỗi đốt lợn và chim hoang mang bệnh rồi truyền sang người. Khác với muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống ở khu vực quanh nhà, muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường có màu nâu, thích sống ở khu vực ao, cánh đồng, có thể bay xa trong vòng bán kính 3km.

Trẻ mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ 1-5 tuổi, chiếm khoảng 75% tổng số trẻ mắc hàng năm. Người mắc bệnh khi bị virus tấn công có thể tổn thương hệ thần kinh Trung ương, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.

Về triệu chứng, viêm não Nhật Bản thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 độ C – 40 độ C hoặc hơn. Triệu chứng khởi phát: Đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, rối loạn sự vận động nhãn cầu; có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Cha mẹ cần hết sức chú ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ đẻ đưa đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Trong đó, trẻ sẽ được tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2, sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3, sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có vaccine phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới hơn có thể tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên và số lượng mũi tiêm giảm đi (chỉ cần tiêm 1-2 mũi).

Cùng với tiêm vaccine thì những biện pháp khác để phòng, chống bệnh cũng rất quan trọng như: Phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, sử dụng thuốc/hóa chất diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở gần chuồng gia súc; xây dựng khu chăn nuôi, chuồng trại ở xa nhà; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi có chỗ sinh sản và phát triển.

Hà Anh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng viêm não Nhật Bản vào mùa dịch