Đề xuất “khai tử” ống hút nhựa vì quá ô nhiễm môi trường

Linh An (T/h)|09/10/2018 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cuối tháng 9 vừa qua, Thống đốc bang California, Mỹ đã ký ban hành một đạo luật cấm các nhà hàng cung cấp ống hút bằng nhựa cho khách trừ khi có yêu cầu. Trong luật nêu rõ, sau hai lần cảnh cáo bằng văn bản, nếu tiếp tục vi phạm, các nhà hàng sẽ bị phạt 25 đô la Mỹ (hơn 580.000 đồng) cho mỗi ngày có vi phạm. Đạo luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, được miễn áp dụng đối với các cửa hàng ăn nhanh.

MOITRUONG.NET.VNÔ nhiễm môi trường lên tới mức báo động là lý do Ủy ban châu Âu đề xuất khai tử các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như tăm bông và ống hút bằng nhựa.

>>>TP. HCM: Kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải ra môi trường

>>> Việt Nam: Doanh nghiệp ngành nhựa cần có giải pháp thân thiện môi trường

Tại Anh, mỗi năm, có khoảng 8,5 tỷ chiếc ống hút bằng nhựa bị chôn lấp hoặc trôi ra biển. Vì vậy, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, ống hút nhựa có thể bị cấm tại Anh từ 2019, đồng thời, ông cũng kêu gọi các nước trong khối Thịnh vượng chung hưởng ứng lệnh cấm này. Hiện chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đã thay thế toàn bộ những ống hút nhựa bằng ống hút giấy. Đây là một nỗ lực đáng chú ý của một thương hiệu lớn trong bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa dùng một lần ở các cửa hàng cà phê và những điểm công cộng vào năm 2027. Đài Loan sẽ cấm toàn bộ ống hút nhựa tại các cửa hàng thức ăn nhanh vào năm 2019, và cấm hoàn toàn ống hút nhựa, túi nhựa trên cả nước vào năm 2030. Thành phố Neuchatel ở miền Tây Thuỵ Sĩ quyết định cấm sử dụng ống hút bằng nhựa tại các cửa hàng bắt đầu từ năm 2019…

Cũng theo đề xuất này, các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ được yêu cầu thu thập 90% số vỏ đồ uống đóng chai bằng nhựa để tái chế trong năm 2025. Các nhà sản xuất các sản phẩm này cũng sẽ phải chịu thêm các khoản chi phí về phản lý chất thải và làm sạch môi trường.

“Không thể phủ nhận, chất thải nhựa đang là vấn đề lớn và người châu Âu cần hành động để cùng nhau giải quyết vấn đề này. Chất thải nhựa sẽ làm ô nhiễm không khí, đất đai, đại dương và cả thực phẩm của chúng ta”, ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh.

Nhựa tích tụ trong các đại dương trên khắp thế giới đã trở thành vấn đề nan giải với nhiều chính phủ. Các nhà khoa học cũng cảnh báo tác động của chúng lên chuỗi thức ăn. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, lượng rác thải khổng lồ lên tới 79.000 tấn, tương đương 1,8 nghìn tỷ mảnh nhựa, đang trôi nổi trên khắp đại dương. Chúng bao gồm lưới đánh cá, hộp nhựa, túi nhựa và dây thừng.

Hồi đầu năm, Anh cũng tuyên bố ý định cấm bán ống hút và các sản phẩm dùng một lần có nguồn gốc từ nhựa khác.

Với đều xuất của Ủy ban châu Âu, họ cần cái gật đầu của Nghị viện và Hội đồng châu Âu trước khi có thể đi vào thực tế.

Việt Nam chưa có kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ống hút nhựa

Ở Việt Nam, ống hút nhựa cũng là vật dụng được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, trà sữa. Hiện tình trạng sử dụng ống hút và cốc nhựa dùng một lần rất phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy vậy, đa số ống hút nhựa trên thị trường đều là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sở dĩ chúng có giá thành rẻ vì được làm từ nhựa tái chế. Dù trong quá trình sản xuất, nhựa đã được đun ở nhiệt độ cao nhưng một số các chất diệt khuẩn, kháng sinh vẫn có thể tồn tại. Ngoài ra, những phẩm màu được dùng làm ống hút nhựa thường có thành phần bị cấm. Vì vậy, khi dùng ống hút, chất có hại sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mặc dù, chưa có thống kê chính thức từ tổ chức nào về số lượng sử dụng ống hút nhựa ở Việt Nam, tuy vậy, từ thực tế hàng ngày, có thể khẳng định, con số này không nhỏ. Riêng đối với các sản phẩm về nhựa, năm 2017, Việt Nam nằm trong top 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Bảo tồn đại dương.

Điều đáng nói, trong lúc Chính phủ và doanh nghiệp tại nhiều quốc gia cũng có những động thái hạn chế việc sử dụng ống hút nhựa, ở Việt Nam mới chỉ có một số chiến dịch mang tên “Chống ống hút nhựa”, “Cù Lao Chàm nói không với ống hút nhựa”; nằm trong khuôn khổ của Chiến dịch 350 là dự án “Nói không ống hút nhựa”… Đến nay, vẫn chưa có dự định nào cho kế hoạch giảm thiểu sản phẩm nhựa nói chung và ống hút nhựa nói riêng, dù cho chúng ta là một trong những nơi tiêu thụ nhiều loại đồ dùng sản xuất từ nhựa nhất.

Để bảo vệ bản thân và môi trường cho chính chúng ta và các thế hệ sau, trong khi các cơ quan chức năng nước ta chưa có quy định, kế hoạch về hạn chế sử dụng các loại vật dụng này, mỗi người tiêu dùng cần xem xét ngưng việc sử dụng các loại sản phẩm nhựa dùng một lần.

Linh An (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất “khai tử” ống hút nhựa vì quá ô nhiễm môi trường