Đến năm 2030, lượng HFC cần thiết cho tiêu thụ của Việt Nam là hơn 5.000 tấn

Lan Hoàng (T/h)|20/09/2018 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 3.000 tấn các chất hydrofluorocarbon (HFC) và đến năm 2030, lượng HFC cần thiết cho tiêu thụ trong nước là hơn 5.000 tấn.

>>> Kiên Giang: Tăng cường chỉ đạo, thực hiện chống khai thác IUU

>>> Châu Âu: Nhiều quốc gia trượt mục tiêu về chất lượng không khí

Vừa qua, tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9) năm 2018, với thông điệp “Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ozone và khí hậu của chúng ta,” vừa diễn ra tại Hà Nội, Tiến sỹ Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường, cho biết nếu không tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định Montreal, đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 3.000 tấn các chất hydrofluorocarbon (HFC) và đến năm 2030, lượng HFC cần thiết cho tiêu thụ trong nước là hơn 5.000 tấn. HFC là khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, nếu không được kiểm soát sẽ góp phần làm bầu khí quyển nóng lên, bà Lan nhấn mạnh.

Do đó, trường hợp không tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đóng góp vào phát thải khí nhà kính từ sử dụng HFC là khoảng hơn 4,6 triệu tấn CO2 tương đương; đến năm 2030 là khoảng gần 7,7 triệu tấn CO2 tương đương.

Theo đó, Việt Nam sẽ không thể mua bán các chất HFC với các nước đã phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali từ ngày 1/1/2033 do Nghị định thư Montreal cấm buôn bán với các nước không phê chuẩn.

“Nếu hầu hết các nước sản xuất hóa chất phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, thì ngành công nghiệp sử dụng HFC của Việt Nam sẽ bị tổn hại nặng nề do nguồn cung bị cắt vào năm 2033,” bà Lan nói thêm.

Ngược lại, theo bà Lan, nếu tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình loại trừ các chất HFC, ngưng mức tiêu thụ vào năm 2024 và bắt đầu loại trừ dần các chất HFC từ năm 2029, giảm dần đến năm 2045 còn 20% mức tiêu thụ cơ sở.

Đến năm 2045, theo lộ trình Việt Nam sẽ loại trừ được 80% lượng sử dụng các chất HFC, tương đương sẽ đóng góp giảm hơn 6,1 triệu tấn CO2 tương đương. Đặc biệt, việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam do tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí; đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước phát triển.

Lan Hoàng (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030, lượng HFC cần thiết cho tiêu thụ của Việt Nam là hơn 5.000 tấn