Diễn biến khó lường về dịch sởi, người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh

Tú Anh (T/h)|27/07/2019 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và nguy cơ tiến triển rất nặng. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Các đơn vị có số mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay cao như các quận, huyện Hoàng Mai (150), Thanh Xuân (76), Nam Từ Liêm (70), Hà Đông (63), Ba Đình (55), Đống Đa (53), Thanh Trì (53).

Theo thống kê trên địa bàn TP.Hà Nội trong tuần qua đã ghi nhận thêm 16 ca mắc sởi. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 13/30 quận, huyện, 15 xã, phường. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.601 trường hợp mắc, không có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 426/584 xã, phường (73%) Trong đó, có 5/1601 trường hợp đang điều trị (chiếm 0,31%), 1596/1601 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 99,69%).

Tại BVĐK Nông nghiệp, BS. Nguyễn Tân Trang – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay đã tiếp nhận gần 100 ca mắc sởi, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc không được tiêm phòng đầy đủ. Nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện với triệu chứng nặng, biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa… đã được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe dần ổn định.

Tiêm phòng đẩy đủ để phòng bệnh sởi.

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới với nguy cơ tiến triển rất nặng. Triệu chứng ban đầu của sởi thường là sốt cao, bắt đầu từ 10-12 ngày sau khi phơi nhiễm và kéo dài từ 4-7 ngày. Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, và những hạt nhỏ màu trắng bên trong vùng má có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu.

Sau vài ngày, bắt đầu nổi ban và thường ở vùng mặt và phía trên cổ. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến sởi là do các biến chứng của bệnh bao gồm cả mù mắt, viêm não, tiêu chảy mất nước nặng, viêm tai giữa, hoặc viêm phổi.

Theo BS. Trang, để tích cực tham gia phòng chống bệnh sởi, tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK Nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp như: Tích cực chẩn đoán bệnh sớm, cách ly kịp thời; Giáo dục sức khỏe, tuyên truyền đến người bệnh để phòng tránh; Phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng của khu vực để giúp phát hiện, điều trị và phòng dịch bệnh sởi một cách hiệu quả nhất.

Với cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo cần ăn uống đảm bảo vệ sinh, tăng cường ăn trái cây, uống nước sinh tố, có chế tập thể dục hợp lý để nâng cao sức khỏe. Chủ động tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng quốc gia và tiêm phòng nhắc lại đối với những người đã tiêm được trên 10 năm.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.

Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

Cũng theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, không chỉ riêng Việt Nam có tình hình bệnh dịch diễn biến khó lường mà hiện nhiều quốc gia phát triển trên thế giới dịch bệnh đang hoành hành. Cụ thể, số ca nhiễm sởi tại Mỹ đã tăng vọt lên hơn 460 ca, cao nhất kể từ năm 1991.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện trên cả nước có gần 20.000 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi. Vì vậy Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung dưới đây nhằm phòng chống dịch sởi như:

Chủ động đưa con em mình từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng sởi; Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.

Do sởi dễ lây, do vậy không được cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc cho trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Người lớn chưa tiêm vắc xin phòng sởi cần chủ động đi tiêm tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến khó lường về dịch sởi, người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh