(Moitruong.net.vn) –

Điện Biên quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp để phát triển chủ yếu 3 loại rừng; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Trong đó, quy hoạch rừng phòng hộ diện tích lớn nhất: 358.209,5ha. Điều đó cho thấy, quy hoạch đã định lượng được vai trò quan trọng của rừng phòng hộ đầu nguồn trong việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, hạn chế thiên tai… điều tiết nước cho vùng hạ du.

Vỡ kế hoạch trồng rừng phòng hộ?

Điện Biên luôn xác định trồng rừng một mặt để phát triển kinh tế lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo quốc phòng an ninh gắn liền với bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên đất và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tại Điện Biên, giai đoạn 2011 – 2020 vẫn còn nhiều vướng mắc mà rào cản lớn nhất chính là chính sách, suất đầu tư trồng rừng thấp. Cùng với đó là những khó khăn trong việc thu hồi đất để giao cho các tổ chức để trồng rừng phòng hộ, dẫn đến việc trồng rừng ở Điện Biên khó đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 76/QĐ-UBND, ngày 14/01/2008, và điều chỉnh bởi các Quyết định số 262/QĐ-UBND và số 714/QĐ-UBND: Tổng diện tích đất lâm nghiệp 761.783,3ha. Trong đó, đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng là 118.514,6ha (gồm 41.626,8ha chưa có rừng); quy hoạch rừng phòng hộ là 358.209,5ha (trong đó, 204.064,6ha chưa có rừng) và quy hoạch rừng sản xuất là 285.059,2ha (172.271,9ha chưa có rừng).

Tính cả giai đoạn 2011-2015, tỉnh Điện Biên mới trồng được 694,43ha rừng phòng hộ, đạt 34,4%. Riêng năm 2015, kế hoạch trồng rừng phòng hộ của tỉnh này là 1.270,0ha, thế nhưng cho đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ thực hiện trồng được 250,03ha, đạt 19,7% kế hoạch giao; một con số vô cùng thấp.

Một góc rừng Điện Biên
Một góc rừng Điện Biên

Lý giải về vấn đề này, bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Điện Biên, cho biết: Kế hoạch trồng rừng toàn tỉnh Điện Biên nói chung, trong đó có kế hoạch trồng rừng phòng hộ chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là suất đầu tư trồng rừng phòng hộ quá thấp, khó thu hồi đất của dân để triển khai dự án trồng rừng.

Theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Suất đầu tư tối đa cho trồng rừng trên 1 héc-ta rừng phòng hộ được Nhà nước chi trả 15 triệu đồng bao gồm cả công chăm sóc, bảo vệ trong 4 năm. Với mức hỗ trợ này thì chi phí nhân công của người tham gia trồng rừng chỉ đạt 60.000 đồng/công. Trong khi đó, giá nhân công theo quy định là 178 đồng/công. Nếu áp theo mức tính này thì suất đầu tư hỗ trợ trồng rừng phải phải là 50 – 60 triệu đồng/ha/4năm. Chưa kể đến giá nhân công ngoài thị trường cao hơn rất nhiều so với công trồng rừng.

 Cùng với đó, diện tích đất quy hoạch trồng rừng thường là đất xấu, xa khu dân cư, điều kiện đi lại khó khăn, trong khi chi phí trồng rừng thấp nên việc trồng rừng càng khó thực hiện. Trong thực tế, đất quy hoạch trồng rừng chủ yếu là diện tích đất nương rẫy của các hộ dân, chính quyền muốn thu hồi hay vận động người dân tham gia trồng rừng hoặc thu hồi đất của dân để giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) thì phải bồi thường cho các hộ dân theo quy định Luật Đất đai; số tiền bồi thường sẽ rất lớn, trong khi ngân sách địa phương này hạn hẹp.

Được biết, năm 2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Điện Biên đã tuyên truyền vận động các hộ dân đồng ý tham gia trồng rừng, sau người dân thấy đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp nên đã hủy hợp đồng không tham gia trồng nữa. Thực tế, người dân đã làm phép so sánh từ lợi ích của việc trồng rừng thấp hơn rất nhiều so với làm nương trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như: Ngô, sắn, dong riềng… Trong khi đó, thời gian người dân có thể hưởng lợi, khai thác từ rừng phải bước sang năm thứ 5, trong khoảng thời gian ấy, công chăm sóc rừng Nhà nước chi trả lại quá thấp, 200 nghìn đồng/ha.

Ban Quản lý rừng phòng hộ không có đất trồng rừng

Các Ban QLRPH của Điện Biên như: Ban quản lý huyện Mường Chà, Điện Biên và Tuần Giáo, dù đã được thành lập từ nhiều năm nay, nhưng chưa hề được giao đất để trồng rừng. Sau rất nhiều năm đề xuất, kiến nghị, hiện nay Ban QLRPH huyện Điện Biên mới đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để được giao đất để trồng rừng. Tuy nhiên đến nay, việc giao đất cho Ban này còn đang gặp phải một số vướng mắc trong việc thu hồi đất của dân.

Từ  những khó khăn trên, năm 2015, Ban QLRPH huyện Điện Biên được giao trồng 270ha rừng phòng hộ, nhưng chỉ trồng được 23,8ha, đạt 8% kế hoạch giao. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Ban này được giao trồng 70ha, nhưng đến thời điểm này mới triển khai được 2,6ha, đạt 3,7% kế hoạch giao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Lương Hồng, Giám đốc Ban QLRPH huyện Điện Biên, cho biết: Việc Ban QLRPH huyện Điện Biên không thực hiện được mục tiêu, kế hoạch trồng rừng trong năm 2015 là do kế hoạch trồng rừng của tỉnh và huyện giao còn nhiều bất cập: Kế hoạch tỉnh giao sớm, từ tháng 12/2014. Nhưng mãi đến tháng 4/2015 mới được giao vốn nên Ban không triển khai được dự án trồng rừng do muộn thời vụ.

Rừng Mưởng Ảng, cháy hồi tháng 4/2016 làm giảm tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên
Rừng Mưởng Ảng bị cháy tháng 4/2016 làm giảm tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên

Được biết, giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu của tỉnh Điện Biên là tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện còn; tiếp tục đầu tư phát triển rừng, đảm bảo nâng độ che phủ rừng từ 38,5% lên 41,5% vào năm 2020. Quản lý và bảo vệ rừng theo hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, sản xuất lâm nghiệp theo hướng tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, thực hiện một loạt các chính sách hỗ trợ gạo chuyển tiếp; hỗ trợ cộng đồng vùng đệm; hỗ trợ vận chuyển sản phẩm chế biến cho 2 nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn đi vào hoạt động để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng kinh tế; đồng thời khẩn trương tiến hành thủ tục giao đất cho các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn…

Song, để Điện Biên nâng được tỷ lệ che phủ rừng lên 41,5% thì ngoài việc thu hồi đất của dân, vận động người dân tham gia trồng rừng thì phải điều chỉnh suất đầu tư trồng rừng tăng lên gấp 2, 3 lần so với quy định của Nhà nước để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng. Thực tế hiện nay, với một tỉnh miền núi nghèo như Điện Biên, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương, thì việc hiệu chỉnh, nâng suất đầu tư để thu hút người dân tham gia trồng rừng là điều rất khó.

Theo Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2016, Điện Biên được phân bổ gần 22,3 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Trong đó, kinh phí phục vụ công tác trồng rừng phòng hộ 12.6 tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng vốn). Nhưng với đà này thì Điện Biên khó có thể giải ngân được số tiền trên bởi không hoàn thành được kế hoạch trồng rừng phòng hộ.

Ai cũng biết, rừng Điện Biên có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước đối với các lưu vực sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông và một số phụ lưu sông khác như: Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Pụ, Nậm Mức… Các con sông trên sẽ  điều tiết nước cho vùng hạ du để sản xuất nôn nghiệp và cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện trọng yếu của Quốc gia.

Nhưng nếu Điện Biên không có sự thay đổi về cơ chế, chính sách, cùng với việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc nhìn thấy lợi ích lâu dài của việc bảo vệ và phát triển rừng thì rất khó để tỉnh này hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế lâm nghiệp, kế hoạch trồng rừng hàng năm. Đặc biệt, trong việc bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong tương lai.

(Theo TN & MT)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên loay hoay giải pháp trồng rừng