Điện Biên: Phát hiện hơn 170 cây bị chặt hạ ở rừng đặc dụng Mường Phăng

Nam Anh|22/12/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Điện Biên bước đầu đã phát hiện hơn 170 cây gỗ bị khai thác với khối lượng ước tính hơn 19 m3 gỗ trong vụ phá rừng đặc dụng Mường Phăng.

Hơn 170 cây gỗ bị khai thác nằm trên địa bàn 2 xã Pá Khoang và Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), có đường kính gốc và chiều cao khác nhau, thuộc nhiều loài cây và thời gian bị khai thác cũng khác nhau. Trong đó, có hơn 150 cây được phát hiện trên địa bàn xã Pá Khoang.

Do công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã dẫn đến một tình trạng “lâm tặc” bất chấp luật định mang cưa vào vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng để triệt hạ cây rừng, ngang nhiên sơ chế, khai thác gỗ ngay trong vùng lõi.

Khúc thân cây to, chu vi vành thân một người ôm không xuể còn nằm lại tại hiện trường trong trong rừng đặc dụng Mường Phăng, Ảnh Xuân Tiến

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên) cho biết: hiện tại, đơn vị được UBND tỉnh Điện Biên giao quản lý 2.300ha trong tổng số 4.436 ha rừng đặc dụng Mường Phăng. Đồng thời khẳng định, tình trạng người dân vào rừng đặc dụng Mường Phăng để “ăn trộm, tỉa cây” là có thật. “Rừng bị chặt chủ rừng phải chịu trách nhiệm”.

Theo lý giải của ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng, địa bàn 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang có diện tích tự nhiên khoảng 9.000ha, trong đó quy hoạch rừng đặc dụng là 4.436ha. Số rừng tự nhiên nằm ngoài diện tích đã quy hoạch rừng đặc dụng còn lại ít, trong khi cuộc sống của người dân phụ thuộc vào rừng thì nhiều. Trước nhu cầu tất yếu thì người dân phải dựa vào rừng đặc dụng. Dân đông, với tập quán ở nhà sàn (vật liệu chủ yếu là gỗ) và nhu cầu về củi đốt nên người dân đã vào rừng “ăn trộm” củi, gỗ. Việc rừng đặc dụng bị người dân khai thác trái phép theo kiểu rải rác thì từ trước đến giờ đã xảy ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng đã phát hiện, lập biên bản 10 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong rừng đặc dụng và bàn giao hồ sơ vụ việc cho Hạt kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ giải quyết, xử lý.

Cao điểm hàng năm là từ tháng 11, khi mực nước lòng hồ Pá Khoang (diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, nằm dàn trải, xen kẽ với rừng đặc dụng) tích nước, mực nước lòng hồ dâng cao, rất thuận lợi về giao thông đường thủy. Lợi dụng điều này, vào ban đêm người dân trên địa bàn lén lút vào rừng khai thác gỗ rồi vận chuyển về nhà bằng thuyền gỗ. Nếu quãng đường về nhà gần thì người dân khiêng, vác thủ công. Các loài cây thường lọt vào “tầm ngắm” của người dân, khai thác về làm cột nhà sàn là cây Tô Hạp, cây Mạy Thồ Lộ, cây Dẻ… Để đủ số lượng gỗ cho một bộ nhà sàn, người dân phải tích trữ trong thời gian khoảng 3 năm. Trong gần 50 bản thuộc địa bàn 2 xã Mường Phăng, Pá Khoang thì có một số bản trở thành “điểm nóng” về tình trạng khai thác trái phép rừng đặc dụng, như: bản Xôm, bản Kéo, bản Đông Mệt… Đây là những bản gần mép nước hồ Pá Khoang.

Theo công văn số 4677 ngày 18/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Công an tỉnh và UBND thành phố Điện Biên Phủ khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về việc “Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị rút ruột nghiêm trọng”. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về UBND tỉnh Điện Biên trước ngày 31/12.

UBND tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, UBND thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tăng cường quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.

Nam Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Phát hiện hơn 170 cây bị chặt hạ ở rừng đặc dụng Mường Phăng