Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 2): Tiềm năng, cơ hội lớn

Hồng Nhân|29/09/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong bối cảnh thuỷ điện và nhiệt điện bộc lộ nhiều hạn chế, các dự án phát triển năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam đang được triển khai rất sôi động. Riêng với điện mặt trời, các nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 35.000 MW.

Được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, thị trường năng lượng tái tạo – điện mặt trời, luôn chiếm được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ở mọi quốc gia. Những cánh đồng năng lượng mặt trời ra đời cùng những dự án, tòa nhà và công trình điện mặt trời áp mái,…luôn được kỳ vọng sẽ đem lại tiềm năng to lớn trong vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia, giảm áp lực truyền tải điện và hỗ trợ to lớn, tích cực vào kinh tế của đất nước.

Ở nhiều quốc gia tiên tiến, những chính sách từ Chính phủ về hỗ trợ việc mua lại điện được sản xuất từ doanh nghiệp áp dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, đã giúp cho nhiều doanh nghiệp giải quyết được bài toán giảm thiểu chi phí điện sản xuất tối thiểu hàng năm. Tại Việt Nam, khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được thông qua, không những giúp cho nhiều tổ chức đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời tiết kiệm được chi phí điện hoạt động hàng năm mà còn đem lại nguồn thu đáng kể từ việc bán lại lượng điện dư cho đơn vị điện lực.

Điện mặt trời áp mái nhiều tiềm năng

Báo cáo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần 20% số lượng điện tiêu thụ toàn cầu cho việc nung nóng, cấp điện và vận chuyển đến từ nguồn năng lượng tái tạo. Thị trường này luôn không ngừng sôi nổi khi nguồn năng lượng hóa thạch được dự báo sẽ trở nên cạn kiệt trong tương lai. Điều này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào công cuộc “sạch hóa” nguồn điện năng cho quá trình hoạt động của mình. Việc số lượng các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đang có chiều hướng gia tăng đã chứng tỏ rằng cuộc cách mạng năng lượng đang được quan tâm nhiều hơn và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ.

Không khó để bắt gặp lĩnh vực năng lượng mặt trời được ứng dụng vào các sản phẩm quen thuộc trong cuộc sống như: nguồn điện cho thiết bị di động, phương tiện giao thông, vệ tinh, thiết bị an ninh. Cùng với tính thần tốc của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano……điện nắng – gió đang dần trở thành biểu tượng cho sự tiến bộ của nhân loại trong thời đại hôm nay.

Bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho điện mặt trời phát triển tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, hệ thống lưới điện Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước: Nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dần cạn kiệt; phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều, gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam; tác động về biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…

Từ thực tế này, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu điện mặt trời áp mái, điện gió) sẽ góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo; tận dụng được không gian mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu – cụm công nghiệp; giảm bớt áp lực nguồn cung, đầu tư hạ tầng cho hệ thống điện quốc gia; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng cho đất nước; mang lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư nhờ nguồn điện bán lại; hạn chế hiệu ứng nhà kính từ các mái nhà.

Theo một khảo sát của World Bank năm 2017, tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà ở Việt Nam khá cao. Ví dụ, tại TP HCM tổng diện tích mái nhà có thể lắp điện mặt trời là hơn 2 triệu km2, với công suất hơn 6.300 MW. Hay ở Đà Nẵng, tổng diện tích mái nhà tiềm năng khoảng 1,3 triêu km2, công suất hơn 1.100 MW.

EVN ước tính rằng, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà ở Việt Nam lắp điện mặt trời, với công suất 10 kW mỗi mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng 16 triệu tấn than mỗi năm do dùng nhiệt điện than. Chưa kể lợi ích kinh tế trực tiếp cho người lắp.

Các nguồn năng lượng tái tạo đang được kỳ vọng phần nào bổ sung vào nhu cầu. Đầu tháng 2/2020, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung nguồn năng lượng sơ cấp chiếm 15-20% vào năm 2030.

Với tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở Việt Nam rất lớn, xác định rõ việc hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái là một trong những chủ trương quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao.

Hồng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 2): Tiềm năng, cơ hội lớn