(Moitruong.net.vn) –

Dân tộc Tày, Nùng cư trú chủ yếu ở Việt Bắc. Giống nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào ăn tết Nguyên Đán to nhất trong năm. Bởi họ quan niệm đây là cái Tết kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới. Những ngày Tết của họ gắn liền với một số phong tục thờ cúng, vui chơi, ăn uống… giàu bản sắc dân tộc.

tay

Lê hội Tồng Lồng của người Tày – Nùng

Từ ngày 15 tháng Chạp (âm lịch), mọi nhà trong bản đã chuẩn bị cho cái Tết. Họ mang những sản phẩm làm được như gạo, đỗ, gà… ra chợ bán và sắm đồ Tết. Đến ngày ông Táo lên chầu trời, ở bàn thờ góc bếp nhà nào cũng bày đồ cúng ông Táo, có gì cúng nấy miễn là lòng thành. Hầu hết các gia đình đều gói bánh chưng. Cách gói không khác miền xuôi nhưng gạo nếp miền núi thơm hơn được bọc trong lá dong rừng to bản xanh rờn, ăn miếng bánh rất ngon mang hương vị riêng của núi rừng. Có vùng lại gói bánh “toóc”, bánh gói tròn và khung ở giữa, xiết chặt bằng những nút lạt mềm. Cũng là gạo nếp, đỗ xanh song nhân bánh ngoài thịt, hạt tiêu còn thêm vài lát gừng núi. Nếu là bánh ngọt trộn đỗ chín với đường và khoai lang làm nhân. Có nhà gói chiếc bánh “toóc” rất lớn gọi là bánh Mẹ, để bày cúng suốt 3 ngày Tết.

Độc đáo hơn cả là bánh đen lấy rơm lúa nếp và lá chuối khô đốt, dùng tro đó trộn gạo nếp rồi gói lại luộc. Bánh đen ăn dẻo, có vị ngon của nếp hương cùng mùi thơm dịu của lá chuối và rơm rất lạ miệng. Ngoài ra, đồng bào còn làm thêm nhiều loại bánh khác: bánh khảo, chè lam, khẩu sli, bánh dày… Trong đó khẩu sli được làm công phu hơn cả. Gạo nếp sàng kỹ chọn hạt to ngâm, sau đó đồ lên chín đổ ra mẹt lấy cám gạo mịn rắc vào đảo nhẹ sao cho hạt gạo không dính vào nhau. Tiếp đó sàng bỏ cám đổ gạo vào hong đầu gió, khi hạt gạo hơi se dùng chày giã nhẹ để hạt gạo bẹt, mềm nhưng không nát rồi mang phơi khô ngoài nắng một lần nữa. Gạo này được rang phồng giòn tan, dùng mật đun thật sánh cho vào trộn đều sền sệt, đổ ra khuôn xắt thành miếng gói kín lại. Khẩu sli là loại đặc sản được nhiều người ưa thích vì ăn vừa bùi, vừa thơm, ăn hết rồi vị ngọt vẫn đọng lại nơi đầu lưỡi.

nùng

Người Tày – Nùng thường gói bánh “toóc” trong ngày tết

Tục ngữ Nùng có câu:“Bươn chiên bấu khả pết, Bươn chất bấu khả cáy”, nghĩa là tháng giêng không giết vịt, tháng bảy không giết gà. Những ngày đầu năm họ kiêng ăn thịt vịt, riêng người Nùng ăn thịt vịt vào ngày 30 Tết để giải xui trong năm, thịt đó phải ăn hết không được để sang năm mới. Gà để ăn Tết là loại gà thiến. Trước Tết 1 tháng, gà thiến được nhốt riêng, cho ăn vỗ béo. Bữa cơm tất niên, làm con gà to nhất cúng gia tiên. Nhà khá giả thường thịt thêm một con lợn, có khi hai, ba nhà chung nhau một con. Trước đây đồng bào thường cắt thịt lợn ra từng miếng nhỏ chế biến thành nhiều món, xương ướp muối thật mặn gói vào mo cau treo lên gác bếp ăn dần.

Không những chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho ngày Tết người ta còn sửa sang quét dọn nhà cửa, tẩy uế vứt những thứ bẩn thỉu ra khỏi nhà. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, dán giấy đỏ, rửa các ống hương bằng nước lá thơm. Người biết chơi thường chọn một cành đào thật to, nhiều nụ hoa điểm lộc xanh về cắm giữa nhà, làm căn phòng bừng sáng báo hiệu mùa xuân đã đến. Việc sắm sửa quần áo cho mọi thành viên trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ được đặc biệt chú trọng. Tất cả sự chuẩn bị phải xong trước ngày 30 Tết. Bữa cơm chiều cuối năm cả nhà quây quần vui vẻ và cùng thức đón giao thừa. Đúng giờ phút sang xuân, trước bàn thờ nghi ngút mùi hương trầm thoang thoảng, chủ nhà thành kính khấn vái cầu mong gia đình gặp vạn sự tốt lành. Các cô gái quẩy thùng ra suối múc nước để lấy tài lộc. Mọi người vui cười chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong không khí ấm cúng, dù tiết trời se lạnh và mưa phùn lất phất bay.

Sáng mùng một Tết, các nhà đều kiêng không quét nhà giặt giũ, không sử dụng cối chày… để cả năm khỏi làm ăn xui xẻo. Họ cũng không sang nhà khác vì sợ sẽ đem lộc trong nhà đi hết. Từ chiều mùng một trở đi mới được sang thăm và chúc Tết nhau. Nếu người đầu tiên đến xông nhà là nam giới, giỏi làm ăn, tốt tính, gia đình hạnh phúc được coi là rất may mắn. Ngày mùng hai Tết, cả gia đình thường đưa nhau về bà ngoại chúc Tết sau đó đi thăm hỏi bạn bè ở bản xa và đón khách tới nhà mình. Theo lệ xưa thường có một lão nông phúc hậu, khỏe mạnh đông con cháu gọi là ông “Khai vài xuân” đến từng nhà trong bản chúc gia chủ năm mới an khang, thịnh vượng, rồi dán một tờ giấy vuông đỏ lên chuồng gia súc của mọi nhà. Người ta tin rằng làm như vậy súc vật sẽ sinh sôi đầy đàn xua đuổi mọi điều xấu trong năm cũ. Bởi thế ông “Khai vài xuân” đều được các gia đình đón tiếp nồng hậu và tặng cho ông nhiều quà, bánh…

Những ngày đầu xuân, làng bản mở hội lồng tồng (hội xuống đồng), hội múa sư tử, hội chùa… Nhưng đáng chú ý hơn cả là hội tung còn. Trên bãi cỏ xanh, nam thanh, nữ tú và rất đông người trẩy hội đứng chật kín chuẩn bị xem ném còn. Những cô gái đi hội mang theo một, hai quả còn khâu bằng 8 mảnh vải ngũ sắc hình tam giác, trong nhồi thóc, cát, các góc đính chùm tua màu sắc sặc sỡ. Đuôi quả còn là sợi bông trắc dài 50 – 60 cm, cuối dây có nhiều dải vải nhỏ xòe ra như cánh hoa. Một cột tre cao, trên đỉnh buộc một vòng tròn lớn có đường kính 40-50 cm được dựng ở giữa bãi. Ném còn đòi hỏi phải có sự dẻo dai, khéo léo. Người chơi cầm đuôi bông trắc vung tay quay quả còn ngược lại phía sau vài vòng lấy đà và thả quả còn bay vút về phía trước. Mở đầu hội tung còn là một phụ nữ có con gái và gia đình hạnh. Sau đó bên nam bên nữ đứng dàn hai bên sân bãi. Người con gái tung quả còn cho người con trai mình thích. Chàng trai cố gắng bắt được và ném trả cô gái. Sau hội tung còn nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng. Những quả còn cứ thế chao đi, liệng lại vun vút như cánh én xuân, mỗi khi còn trúng hồng tâm tiếng hoan hô, reo hò lại nổi lên dậy đất làm ngày xuân thêm tưng bừng náo nhiệt. Người ném trúng nhiều được thưởng một mảnh vải hay hiện vật khác, tuy ít có giá trị vật chất nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần. Bởi bà con tâm niệm, còn xuyên qua hồng tâm nhiều, năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngoài ném còn, dân tộc Tày, Nùng cũng say mê các trò múa võ, múa rồng, đấu vật… Trẻ con đánh quay, nhảy lò cò, đánh yến mê mải quên ăn. Bên những gốc đào đỏ thắm, gốc hoa lê, hoa mận trắng tinh, trai gái lượn sli giao duyên tình tứ tìm bạn đời rồi đến hát ở các bản xa thâu đêm, suốt sáng. Những đêm lượn cũng là một nét độc đáo trong ngày Tết của dân tộc Tày, Nùng. Nó làm cho con người thêm yêu cuộc sống và lao động hăng say. Cứ như vậy những trò vui giải trí diễn ra luân phiên cho đến hết tháng giêng.

Thu Lan


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Tết của người Tày, Nùng