Hà Nội: Hàng loạt cơ sở sản xuất gỗ ván ép hoạt động xả khói ra môi trường

Đức Châu – Thùy Dương|23/11/2020 16:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàng loạt xưởng sản xuất gỗ ván ép và bóc gỗ tại khu bãi Thó hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm, nhưng không được chính quyền huyện Đông Anh và xã Việt Hùng kiên quyết xử lý dứt điểm. Điều này, khiến các hộ sản xuất gỗ ván ép “nhờn luật” tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Phản ánh đến tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, người dân thôn Trung, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây các xưởng sản xuất gỗ ván ép tại bãi Thó hoạt động trở lại xả khói bụi, mùi khét nồng nặc gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí xung quanh thôn.

>> Đông Anh, Hà Nội – Bài 1: Công ty khóa Việt Tiệp xả trộm nước thải hóa chất độc hại ra môi trường?>

Những làn khói từ các xưởng gỗ thường xuyên xả ra môi trường mùi khét lẹt, khó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân

Xưởng gỗ ván của ông Hiếu hoạt động trái phép, ngày đêm xả thải ô nhiễm môi trường

Ông N.V.T chia sẻ: “Cách đây mấy năm khi các xưởng sản xuất gỗ ván ép này hoạt động, xã đã kiểm tra cưỡng chế rồi nhưng không dứt khoát vì vậy đến nay họ vẫn làm. Mỗi khi hoạt động, ống khói từ 3 xưởng gỗ ép đua nhau xả ra những làn khói đen kịt kèm theo mùi hăng nồng của bụi gỗ và keo khiến ai mà hít phải đều cảm thấy nôn nao, khó thở. Khói, khí thải này bay theo hướng gió thổi về khu nào thì người dân khu đấy khổ”.

Ông Đỗ Tuấn Phi – PCT xã Việt Hùng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm các xưởng ván ép, bóc gỗ trước ngày 30/11/2020

Nhằm làm rõ những thông tin phản ánh, PV đã có buổi làm việc với ông Đỗ Tuấn Phi – Phó chủ tịch UBND xã Việt Hùng, ông Phi cho biết: “Tại khu bãi Thó có 3 xưởng sản xuất gỗ ván ép của ông Đạt, ông Linh, ông Hiếu và 1 xưởng bóc gỗ của ông Sơn đang hoạt động hoàn toàn trái phép. Khu vực này trước kia là ga Cổ Loa, thuộc đất công khó giao do tập thể quản lý để sản xuất nông nghiệp. Do đất khô cằn, sỏi đá nên phát triển nông nghiệp khó khăn. Vì vậy, UBND xã đã giao cho ông Ngô Văn Hùng đấu thầu thuê đất làm trang trại. Trong quá trình làm còn phần đất chưa sử dụng đến nên ông Hùng đã cho các cá nhân thuê lại sản xuất gỗ ván ép và bóc gỗ. Sau khi phát hiện vi phạm UBND xã đã tiến hành lập các hồ sơ vi phạm về đất đai, thanh lý hợp đồng với ông Hùng. Các xưởng sản xuất còn lại UBND xã đã lập biên bản vi phạm, báo cáo UBND huyện ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế từ năm 2018”.

>> Đông Anh (Hà Nội) – Bài 1: Công ty TNHH Eagle Industries xả khói thải “bức tử” người dân, chính quyền ở đâu?>

Các nhà xưởng gỗ ván ép ông Đạt, ông Linh hoạt động trái phép nhiều năm nhưng không được UBND huyện Đông Anh và xã Việt Hùng xử lý dứt điểm, khiến dư luận hết sức bất bình.

“Do chưa tìm được mặt bằng để di chuyển máy móc, thiết bị nên họ xin giữ lại một phần diện tích để tìm vị trí di chuyển máy móc. Trong thời gian này các nhà xưởng có tái diễn hoạt động sản xuất, chưa di chuyển. Vì vậy, UBND xã tiếp tục kiểm tra, yêu cầu 4 chủ xưởng di dời toàn bộ máy móc ra khu vực vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu. Đồng thời, báo cáo UBND huyện Đông Anh ra quyết định xử phạt và quyết định cưỡng chế với 4 trường hợp này. Đến ngày 12/11/2020 hết thời hạn 15 ngày theo quy định nhưng 4 nhà xưởng chưa tự giác di dời nên UBND xã đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Trong thời hạn 15 ngày thực hiện quyết định cưỡng chế, UBND xã đã yêu cầu 4 nhà xưởng thực hiện chấp hành nghiêm nhưng họ lại có “bài” làm đơn kiến nghị đến xã, huyện xin lui lại đến hết năm 2020 để tìm vị trí di chuyển”, ông Phi thông tin thêm.

Bà Nguyễn Việt Oanh – Cán bộ địa chính xã Việt Hùng cho biết: “Các đơn vị mà người dân kiến nghị đang hoạt động lấn chiếm đất đai. Cần phải kiên quyết xử lý dứt điểm”

Bà Nguyễn Việt Oanh – Cán bộ địa chính xã Việt Hùng cho biết: “UBND xã đã thanh lý hợp đồng với ông Hùng, hiện tại 4 nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép và bóc gỗ đang hoạt động tại bãi Thó là hành vi lấn chiếm đất đai, vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm”.

Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Đông Anh đối với hộ ông Trương Hồng Sơn, nhưng hộ ông Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật

Được biết, ngày 27/10/2020, UBND huyện Đông Anh đã ban hành quyết định cưỡng chế vi phạm buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Trương Hữu Sơn, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Ngọc Linh, Phạm Hồng Đạt và Hoàng Văn Anh, do đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b, khoản 2 điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ – CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thời hạn cưỡng chế sau 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, các cá nhân trên có trách nhiệm thực hiện quyết định này. Nếu quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Ông Trương Hữu Sơn – Xưởng bóc gỗ xin nhận trách nhiệm và sẽ di chuyển ra khỏi khu vực vi phạm theo chỉ đạo của cơ quan chức năng

Làm việc với PV, ông Trương Hữu Sơn – Chủ cơ sở sản xuất bóc gỗ thừa nhận: Chúng tôi hoạt động ở đây chưa được cơ quan chức năng cấp phép, đến nay được hơn 3 năm, cơ sở chuyên bóc gỗ rồi cung cấp cho các xưởng sản xuất gỗ ván ép xung quanh. Hằng năm xã, huyện đều xuống kiểm tra yêu cầu di dời nhưng chưa thực hiện. Thủ tục môi trường chưa được cấp phép nhưng chưa bị xử phạt. Tháng 8/2020, UBND huyện Đông Anh đã kiểm tra và xử phạt 4 triệu đồng đối với cơ sở vì hành vi vi phạm đất đai và ngày 27/10/2020 ông Nguyễn Xuân Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định số 7314/QĐ-CCP về Cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn chiếm.

Điều đáng nói, trong Quyết định này UBND huyện Đông Anh yêu cầu chủ tịch UBND xã Việt Hùng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc ông Trương Hữu Sơn thực hiện Quyết định và báo cáo UBND huyện Đông Anh theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Linh – Chủ xưởng gỗ ván ép thừa nhận hiện đang hoạt động hoàn toàn trái phép

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Linh – Chủ Cơ sở sản xuất gỗ ván ép thừa nhận: Hiện nay cơ sở đang hoạt động trái phép, không có giấy phép về xây dựng đất đai, chưa được UBND huyện Đông Anh cấp hồ sơ về môi trường và cũng chưa bao giờ bị xử phạt.

Theo ghi nhận của PV, diện tích vi phạm tại bãi Thó khoảng 3000m2. Tại đây, các nhà xưởng vẫn hoạt động bình thường, xả khói nghi ngút, chưa có bất kì biểu hiện nào của việc tháo dỡ, di dời. Tại xưởng bóc gỗ của ông Sơn, từng đống gỗ đang được tập kết, công nhân, máy móc cũng đang hối hả làm việc. Bụi phát sinh từ quá trình cưa, bóc tách gỗ không được thu gom xử lý đúng quy định.

Các xưởng sản xuất gỗ ván ép, bóc gỗ tại thôn Thó, xã Viêt Hùng vẫn hoạt động rất nhộn nhịp thách thức chính quyền và người dân

Ông Phi cho hay: 4 cơ sở này đều chưa được xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, UBND xã chưa xử phạt vì cái này thuộc thẩm quyền của huyện. UBND xã xác định vi phạm về đất đai chính là gốc rễ, vì vậy xã tập trung xử lý vi phạm về đất đai. Vì 4 cơ sở này không có ý thức trách nhiệm thực hiện tốt quyết định cưỡng chế nên bắt buộc xã phải xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế dứt điểm trong tháng 11/2020.

Có thể thấy, mặc dù UBND xã Việt Hùng phát hiện sai phạm và đã báo cáo UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định cưỡng chế nhưng công tác thực hiện của UBND xã không dứt điểm, thiếu kiên quyết nên đang tạo cơ hội cho sai phạm của các cơ sở “nhờn luật” tái diễn khiến khó khăn cho công tác xử lý và quản lý nhà nước trên địa bàn. Liệu rằng lần này, UBND huyện Đông Anh có kiên quyết chỉ đạo xã Việt Hùng vào cuộc xử lý, tổ chức cưỡng chế dứt điểm vi phạm của 4 cơ sở trên hay không?

Trách nhiệm lãnh đạo UBND huyện Đông Anh và các cơ quan liên quan đến đâu trong vấn đề này?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đức Châu – Thùy Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hàng loạt cơ sở sản xuất gỗ ván ép hoạt động xả khói ra môi trường