Đồng bằng sông Cửu Long chính thức bước vào cao điểm xâm nhập mặn

Phương Thảo|02/03/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tuần này xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có xu thế tăng theo kỳ triều cường đầu tháng 2 âm lịch.

Theo dự báo, ranh mặn 4 g/l lớn nhất tuần có thể từ 35-50 km tại trên các cửa sông Cửu Long, từ 55-65 km trên sông Vàm Cỏ và từ 35-45 km trên sông Cái Lớn.

Hiện tại, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi 35-45 km từ cửa biển vào trong các ngày triều cường. Tuy nhiên, nguồn nước hiện vẫn đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long chính thức bước vào cao điểm xâm nhập mặn, Ảnh minh họa

Tổng cục Thủy lợi cũng dự báo, trong tháng 3/2022, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 55-65 km, thấp hơn từ 10-20 km so với năm 2020; thấp hơn từ 5-10km so với năm 2016. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Từ tháng 4/2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Tại sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất có khả năng xuất hiện tháng 3,4/2022, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức từ 80-90 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25-35 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 20-30 km.

Trên sông Cái Lớn, hiện cống Cái Lớn – Cái Bé đưa vào vận hành nên xâm nhập mặn được kiểm soát.

Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, qua theo dõi nguồn nước thượng nguồn đổ về thì dự kiến trong tháng 3, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có mức độ triều cường lớn nhất của mùa khô này. Ngành đã dự báo điều này ngay từ đầu năm và đã có những chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tích trữ nước đề phòng trường hợp triều cường kéo dài nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nhất là cây ăn quả.

Ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các giải pháp và chỉ đạo các địa phương trong khu vực: đẩy sớm thời vụ, chủ động hướng dẫn các hộ dân tích trữ nước trong các ao hồ. Rút kinh nghiệm từ những năm hạn mặn cao, người dân đã có các giải pháp tích nước bằng các ao hồ nhỏ với quy mô hộ gia đình được thiết lập tại các vườn cây ăn quả, hay trong các vườn cây được thiết lập các rãnh nước sâu để có thể trữ nước.

“Mặc dù xâm nhập mặn ở mức độ cao nhưng sản xuất nông nghiệp chưa bị ảnh hưởng, người dân vẫn chủ động được nguồn nước. Khi người dân chủ động cùng với hệ thống theo dõi và thông tin kịp thời, đặc biệt vào thời điểm triều cường cùng với nước thượng nguồn về ít sẽ giúp việc phòng, chống hạn mặn hiệu quả”, ông Lương Văn Anh cho hay.

Ông Lương Văn Anh cũng đánh giá, việc hoàn thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã đem lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt các địa phương như: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau. Thời gian tới, hệ thống này cần tiếp tục điều chỉnh quy trình vận hành để đảm bảo hiệu quả cao nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương vì cùng thời điểm địa phương này cần nước mặn thì địa phương lại cần nước ngọt.

Theo Tổng cục Thủy lợi, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) trong tháng 2 đều có xu thế giảm.

Phương Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long chính thức bước vào cao điểm xâm nhập mặn