Đồng bằng sông Cửu Long: Khắp nơi căng mình phòng cháy rừng

Hạnh Mai (T/h)|28/02/2020 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Toàn bộ diện tích rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long đều kiệt nước do khô hạn, nắng nóng, mặn xâm nhập, khắp nơi căng mình chống cháy rừng.

Nhiều tháng qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có cơn mưa nào, đặc biệt hệ thống kênh rạch trữ nước ở ngoài và trong các khu rừng ngày càng cạn kiệt, lớp bề mặt bị khô hạn khiến nguy cơ cháy rừng rất cao…

Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) thường xuyên diễn tập công tác phòng chống cháy rừng. Ảnh: Nhật Hồ

Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, hiện nay, lượng nước trên các trục kênh toàn lâm phần rừng đang cạn, nhất là vùng đệm, vùng lõi, cộng với lớp thực bì dày, độ ẩm cao… Nếu chủ quan, lơ là trong tuần tra, kiểm soát, việc giữ rừng sẽ khó.

Do đó, Ban Quản lý Vườn chim cùng lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tiến hành dọn thực bì, phát quang các tuyến đường, bờ bao, khu vực nguy cơ cháy cao; đồng thời, tranh thủ lúc đỉnh triều, lấy nước vào để tạo độ ẩm cho rừng. Ngoài ra, lực lượng cũng kiểm soát chặt hoạt động tham quan của du khách. Khu vực phục vụ du lịch giới hạn trong khu vực hành chính.

Ông Trần Bình Lộc – Giám đốc Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu – ví von: “Chúng tôi trực 24/24 không khác gì trực phòng chống COVID-19, bởi lơ là một chút là sẽ bùng cháy ngay”.

Tại An Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ; triển khai hàng chục phương án phòng chống cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ.

Đến thời điểm này, Cà Mau đã đắp và xây dựng được 84 cống, đập để giữ nước phục vụ công tác phòng chống cháy rừng, sơn sửa và xây dựng mới 87 chòi quan sát lửa. Đồng thời, sửa chữa và mua mới hơn 100 máy bơm chữa cháy; dọn kênh lưu thông hơn 180km…

Bên cạnh đó tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân cần chấp hành tốt công tác phòng chống cháy rừng trong suốt mùa khô. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện quy định về phòng chống cháy rừng. Tại những điểm có nguy cơ cháy rừng cao sẽ bố trí lực lượng túc trực 24/24 để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Hạnh Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Khắp nơi căng mình phòng cháy rừng