Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

(Theo Nhật Hồ – T/c Môi trường và Cuộc sống)|23/11/2016 02:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Vừa qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối diện với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và đặc biệt là tình trạng thiếu nước trầm trọng khi lũ không về. Thực tế đó đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.

HỆ LỤY TỪ VIỆC LŨ KHÔNG VỀ

Tiến sĩ Dương Văn Ni – Trường ĐH Cần Thơ cảnh báo, nếu trong tương lai ĐBSCL không có lũ thì nguy cơ sụt lún đồng bằng là rất lớn. Ông nhận định: ĐBSCL được hình thành là nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn thêm ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về bồi đắp. Nhưng mấy năm gần đây vì lũ ít lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ tợn hơn. Bình quân mỗi năm, biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15m, có nơi đến 50m; hàng trăm hécta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển…

Tiến sĩ Dương Văn Ni cũng khuyến cáo, trong trường hợp lũ không về thì dự báo tình hình hạn, mặn năm tới sẽ diễn ra gay gắt hơn vừa qua. Những người dân sống dựa vào khai thác nguồn thủy sản tự nhiên trong mùa lũ sẽ phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, để giúp những cư dân này chuyển nghề thì cần phải dựa vào nhu cầu xã hội để có chiến lược phù hợp.

untitled3

Mùa lũ là mùa “làm thêm” kiếm sống của người dân ĐBSCL

Thực tế cho thấy, lũ không về kéo theo lượng phù sa bồi đắp bị giảm mạnh đồng nghĩa với việc chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp sẽ cao hơn, nông sản khó xuất khẩu hơn do nông dân sẽ phải sử dụng nhiều phân bón hóa học.

Trong khi đó, chất lượng đất phục vụ cho nông nghiệp ngày càng suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do con người và những điều kiện bất lợi từ môi trường. Xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao cũng tác động mạnh và làm suy kém chất lượng đất. Cứ 10 ha đất trồng trọt thì có đến 3 ha đất bị ảnh hưởng từ nước thải, chất thải của các khu công nghiệp.

PGS-TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, đất là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và năng suất cây trồng. Nhưng hiện nay, đất trồng lúa diễn biến rất phức tạp, diện tích trồng ngày càng tăng nhưng chất lượng đất lại bị suy thoái trầm trọng, đang ở mức đáng báo động. ĐBSCL hiện là vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa và xuất khẩu lúa gạo trong cả nước.

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ SỐNG CHUNG VỚI KHÔNG CÓ LŨ?

ĐBSCL không lũ đã được các tỉnh đầu nguồn toan tính trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của mình. Nếu như Đồng Tháp, tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chiến lược là gạo, cá, hoa màu và vịt thì An Giang đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp người dân “sống chung với không có lũ”; khuyến khích người dân ở những vùng có điều kiện thuận lợi chủ động sản xuất những sản vật chỉ có được khi mùa nước lên – lũ về mới có như mô hình nuôi lươn trong bể đất, nuôi ếch, cá đồng trong bè tre nhỏ, nuôi trong vèo, nuôi chân ruộng…

Thực tế, nguồn nước mặt ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Tuy nhiên, những toan tính của các nước cho bài toán năng lượng bằng cách chặn sông làm thủy điện, nguồn nước ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ không còn dồi dào như trước. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh – Chánh Văn phòng Điều phối biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ cho rằng, để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thì phải tìm cách để chủ động được nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, kênh thoát lũ đồng thời dự tích trữ nước để phục vụ cho sản xuất như kiểu tích nước từ sông Đà chảy về Hà Nội như ở Đồng bằng Bắc Bộ; thay đổi thói quen chờ nước mới sản xuất của bà con ĐBSCL lâu nay.

(Theo Nhật Hồ – T/c Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn