Đông Nam Á mạnh mẽ trong cuộc chiến trả rác thải về nước giàu

Thanh Huyền (T/h)|05/06/2019 08:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một số nước Đông Nam Á đã có bước đi cứng rắn ngăn khu vực này trở thành “bãi rác khổng lồ” của thế giới từ các quốc gia phát triển.

Philippines và Malaysia tuyên bố trả lại hàng trăm tấn nhựa không tái chế được cho những quốc gia phát triển đã xuất khẩu trái phép số rác này đến đất nước của họ. Giới quan sát nhận định, các diễn biến trên cho thấy các nước Đông Nam Á đang quyết tâm hành động nhằm ngăn khu vực trở thành bãi rác khổng lồ cho những nước giàu.

Malaysia trả lại tất cả các loại rác thải

Bà Yeo Bee Yin – Bộ trưởng Môi trường của Malaysia mới đây đã cho các phóng viên chứng kiến những lô hàng phế liệu nhập khẩu trái phép tại thủ đô Kuala Lumpur. “Bất cứ ai gửi rác thải của họ đến Malaysia, cho dù đó là chất thải điện tử, chất thải nhựa hay bất kỳ loại nào, chúng tôi sẽ gửi lại. Mặc dù Malaysia là một nước nhỏ, nhưng chúng tôi không thể bị các nước phát triển bắt nạt”, bà Yeo Bee Yin tuyên bố.

Khi bà Yeo cùng giới truyền thông mở thùng container tại cảng Klang May, nhiều thùng rác ghi nguồn gốc từ Trung Quốc và Bangladesh lại chứa rác từ các nước khác như Pháp. Và trong các thùng này, nhiều rác nhựa độc hại được giấu dưới các loại rác sạch cho thấy tính phức tạp của việc nhập lậu rác. “Khi Trung Quốc cấm nhập rác nhựa, hầu hết rác này được chuyển sang các nước đang phát triển và chẳng ai theo dõi để đảm bảo số rác này được thải một cách đúng đắn” – bà Yeo giải thích.

Ngoài ra, những lô hàng phế liệu nhập khẩu còn bao gồm dây cáp từ Anh, hộp sữa bị ô nhiễm từ Australia và đĩa CD từ Bangladesh cũng như các kiện hàng chất thải điện tử và sinh hoạt từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, Arabia Saudi và Trung Quốc. Bà Yeo lấy ví dụ, chỉ riêng một công ty tái chế của Mỹ đã xuất hơn 55.000 tấn chất thải nhựa trong khoảng 1.000 container sang Malaysia trong 2 năm qua.

Theo bà Yeo Bee Yin, Malaysia sẽ gửi 60 container, tương đương khoảng 3.300 tấn chất thải nhựa không thể tái chế, được nhập khẩu trái phép vào nước này về lại các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada và Australia nhằm tránh trở thành bãi rác cho các quốc gia giàu có. 10 container sẽ được gửi về nước xuất xứ trong vòng 2 tuần tới. Đầu tháng 5/2019, Malaysia đã trả 5 container rác thải nhựa nhiễm độc về Tây Ban Nha. Rác thải nhựa không thể tái chế thường được xử lý bằng cách đốt, và cách này đẩy một lượng lớn hóa chất độc hại ra bầu khí quyển của Trái Đất. Nếu được chôn lấp, rác thải nhựa có thể gây nhiễm độc cho đất và nguồn nước.

Nữ Bộ trưởng Yeo Bee Yin khẳng định, Malaysia và nhiều nước đang phát triển đã trở thành mục tiêu mới sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa vào năm ngoái. Bà Yeo cho biết, công dân ở các quốc gia giàu có dù có chăm chỉ phân loại rác tái chế, nhưng cuối cùng thì rác thải vẫn được dồn sang các nước đang phát triển để tái chế bất hợp pháp, gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Chính quyền Malaysia xác định số rác nhập từ ít nhất 14 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc và Anh. Cụ thể, chỉ riêng một công ty tái chế có trụ sở tại Anh đã xuất khẩu 50.000 tấn chất thải nhựa sang Malaysia trong hai năm qua.

Số lượng nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2016, lên mức 870.000 tấn vào năm ngoái. Tình trạng này dẫn tới số nhà máy tái chế gia tăng nhanh chóng, nhưng nhiều cơ sở không có giấy phép và ít chú trọng tới các tiêu chuẩn về môi trường. Kể từ tháng 7/2018, Chính phủ Malaysia đã triệt phá hơn 150 cơ sở tái chế nhựa bất hợp pháp. Malaysia đề nghị các nước phát triển xem xét lại cách quản lý chất thải nhựa và ngừng chuyển rác sang các nước đang phát triển. Việc làm đó là bất công và thiếu văn minh. Chính phủ Malaysia sẽ hành động chống lại các công ty trong nước nhập khẩu trái phép nhựa đã qua sử dụng, coi họ là “những kẻ phản bội sự bền vững của đất nước”.

Một số nước Đông Nam Á đã có bước đi cứng rắn ngăn khu vực này trở thành “bãi rác khổng lồ” của các quốc gia phát triển. Ảnh: Reuters

Philippines trả rác về Canada

Mới đây, Philippines tuyên bố sẽ chuyển hơn 25 tấn rác thải trở về nơi gửi là Hồng Kông. Quan chức hải quan Philippines John Simon cho biết, số rác nêu trên là vật liệu điện tử đã nghiền nát do Công ty TNHH công nghệ Khánh Nguyên vận chuyển để giao cho Công ty Crowd Win ở thành phố Pasay. Chúng nằm tại cảng hàng hóa Mindanao từ tháng 1/2019, nhưng đến ngày 22/5 mới bị phát hiện. Không chỉ Hồng Kông, Chủ tịch Ủy ban Sinh thái thuộc Hạ viện Philippines Dakila Carlo Cua còn yêu cầu chính quyền Duterte xem xét trả một lô rác đưa vào nước này từ Úc trong đầu tháng 5.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã thông báo chuyện gửi trả rác, đồng thời khẳng định nước này dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte ngừng chấp nhận rác thải từ nước ngoài. Giới chức Manila hiện đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ trở thành điểm tập kết rác thải thay thế Trung Quốc. Tổng thống Duterte trước đó đã hạ lệnh thuê công ty tư nhân đưa 69 container rác thải trở lại Canada, phía chính quyền Ottawa đã ký một hợp đồng trị giá 1,14 triệu USD với một đơn vị vận chuyển để làm việc này. Đầu năm 2019, Philippines đưa 51 container rác về Hàn Quốc. Phía chính quyền Seoul đồng ý nhận lại.

Philippines cũng làm căng khi quyết trả lại 100 container rác thải cho Canada. Tổng thống Duterte thậm chí tuyên bố nếu Canada không thể nhận số rác, Manila sẽ dùng tàu chở đi và quẳng chúng xuống các bờ biển hoặc bãi biển của Canada.

Theo tổ chức môi trường EcoWaste, 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt không thể tái chế, được một công ty nhập từ Canada vào Phillippines trong giai đoạn 2013-2014. Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines, nhưng các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo. Ngày 31/5, Philippines đã cho tàu chở 69 container rác thải rời cảng Subic, bắt đầu chuyến hành trình dài tới Canada sau cuộc đối đầu ngoại giao.

Tại vịnh Subic, nhiều nhà hoạt động môi trường đến ăn mừng chiến thắng với biểu ngữ: “Philippines không phải là bãi rác”. Bà Wilma Eisma – Lãnh đạo cảng biển tại vịnh Subic – đánh giá việc trả lại thành công rác thải nước ngoài đã chấm dứt “một chương bẩn thỉu trong lịch sử” của Philippines.

Tháng 5/2019, khoảng 180 quốc gia trên thế giới đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel nhằm tăng cường sự minh bạch và quản lý tốt hơn hoạt động thương mại rác thải nhựa trên toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ – Quốc gia xuất khẩu rác nhựa lớn nhất thế giới, hiện chưa phê chuẩn công ước 30 năm tuổi này.

Thanh Huyền (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á mạnh mẽ trong cuộc chiến trả rác thải về nước giàu