Dự án chống ngập TP. Hồ Chí Minh phải nộp ngân sách 282 tỉ

Theo TTO|02/06/2019 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hợp đồng BT dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 ký sai quy định, phải nộp ngân sách 282,9 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh được chỉ định nhà đầu tư sai quy định. Việc đề xuất dự án cũng không thông qua HĐND thành phố.

Nội dung phụ lục hợp đồng BT có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, xác định giá trị quyết toán công trình BT khi nhà đầu tư chuyển nhượng cho UBND TP.HCM không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chưa phù hợp với quy định Luật thuế giá trị gia tăng.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện giai đoạn 1 dự án chống ngập thất thoát hàng trăm tỉ đồng – Ảnh: TT

Quy định này dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp vào ngân sách 282,9 tỉ đồng.

Tuy nhiên, không chỉ dự án BT này, mà cả 7 dự án BT được kiểm toán trong năm 2018 có thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, gây thất thoát ngân sách lớn.

Ví dụ, dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (Hà Nội), dự án đầu tư giai đoạn 1 xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan.

Cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ có dự án BT lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT trái với quy định của Luật đất đai.

Các hợp đồng BT không quy định cụ thể thời điểm giao đất, dẫn đến có dự án được giao đất trước, trong và sau khi thực hiện dự án BT, như dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên (Hà Nội); dự án xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên.

Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị quỹ đất đối ứng khi giao đất cho các nhà đầu tư BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách.

Do thời gian thi công các dự án BT dài, tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng với thị trường, giá trị tiền sử dụng đất khi được giao đất đối ứng thường thấp hơn giá trị quyết toán công trình BT.

Ngoài ra, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư và cho phép tính chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư dự án BT còn bất hợp lý. Đây là lỗ hổng lớn gây thất thoát tài sản, đất đai.

Nhiều dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro thực hiện dự án. Lãi vay chưa xác định tại dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên là 3,7 tỉ đồng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên 150,2 tỉ đồng.

Qua kiểm toán 7 dự án BT năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, trong tỉ lệ xử lý tài chính tại các dự án BT lên đến 29% giá trị được kiểm toán.

Theo TTO


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án chống ngập TP. Hồ Chí Minh phải nộp ngân sách 282 tỉ