(Moitruong.net.vn)

– Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi. Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

nhieu-chua-o-hue-qua-tai-ngay-dau-nam-29-100607

Từ xưa, Yên Tử được coi là Cõi Tiên, Cõi Phật – nơi con người tu thành Tiên, thành Phật. Theo tương truyền, hai ngàn năm trước, thầy Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái lượm cây thuốc, luyện thần dược trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, khi mất đã hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” là “Yên Tử”.

Non Thiêng Yên Tử chính là nơi dung dưỡng tinh thần, giúp con người hướng thiện, trở về bản tâm chân thật của chính mình. Gần một nghìn năm qua, đây là nơi tu hành, thành đạo của của các bậc anh hào hiền lương mà cuộc đời, sự nghiệp đã trở thành bất tử, từ Tổ Hiện Quang thời Lý (trước năm 1220) đến các Tổ: Đạo Viên,  Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Tam Tổ Trúc Lâm… thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), Tổ Chân Nguyên thời Lê (thế kỷ XVII) đến Ni sư Đàm Thái thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX).

Yên Tử là nơi vua Trần hiển Phật. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) làm vua ở tuổi 20. Sau khi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, hai lần (1285 và 1288) đánh thắng giặc Nguyên Mông – đội quân hùng mạnh nhất thời ấy, Ngài thực hiện thành công các cuộc hòa giải, xây dựng đất nước Đại Việt thịnh vượng. Từ bỏ ngôi vua ở tuổi 35, Ngài về hành cung Vũ Lâm rồi lên Yên Tử tu khổ hạnh. Ngài mất ở am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử. Ngôi tháp Huệ Quang trước chùa Hoa Yên thờ xá lợi của Ngài.

Yên Tử là “phúc địa” (đất phúc), “linh địa” (đất thiêng), nơi hội tụ khí thiêng sông núi, được ghi vào điển thờ. Yên Tử lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa. Một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ ra rằng: Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là Người Thầy dẫn đường, không phải là thánh thần ban phước, giáng họa. Nếu để cho tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham – sân – si. Để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài. Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người.

Dấu tích lịch sử văn hóa hiện tồn ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư. Hàng chục nền móng chùa, am thời Trần – Lê dưới những ngôi chùa được trùng tu, phục dựng; Hàng nghìn di vật cổ: Tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo, lưu lại dấu ấn vàng son của một thời đã qua. Yên Tử là căn cứ địa cách mạng, nơi bộ đội luyện quân, nơi ghi dấu chiến công trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ XX.

Hàng năm, Yên Tử mở hội Xuân, đón khách hành hương lễ Phật, du sơn thắng cảnh suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi năm, hàng triệu du khách về Yên Tử. Họ đến từ các địa phương trong nước, từ nhiều quốc gia trên thế giới với đủ độ tuổi, giới tính, sắc tộc và cương vị xã hội.

Trăm năm tích đức tu hành

Chưa về Yên Tử, chưa đành lòng tu.

Thanh Hoa


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du Xuân Yên Tử về với đất Phật