Đừng nói đến cưới xin, giới trẻ Nhật – Trung – Hàn thời nay còn không thèm hẹn hò

Minh Anh (T/h)|07/10/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Gánh nặng kinh tế, việc làm, mất niềm tin vào hôn nhân hay muốn theo đuổi sự nghiệp, nhiều người trẻ châu Á thậm chí không lập gia đình và sinh con.

Từ xưa, các bậc cha ông đã cho rằng cưới xin là chuyện rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Thế nhưng, vì nhiều lý do, kết hôn hay thậm chí hẹn hò, không còn là việc giới trẻ đặt lên hàng đầu. Điều này dẫn đến mối lo về sự già hóa dân số, thảm họa “tuyệt chủng” giống loài khi những em bé ít được ra đời.

Cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ không hẹn hò vì không muốn mất tự do. Tại Trung Quốc, vấn đề dân số già hóa ngày càng tồi tệ khi tỷ lệ kết hôn và sinh con ở quốc gia này đều giảm. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 1/4 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.

Một cô dâu Hàn Quốc ngáp dài trong buổi đám cưới tập thể tại Gapyeong.

Những con số đáng để chú ý, cho thấy một tình trạng không mới trong xã hội hiện đại: người trẻ “lười” yêu, ngại sinh con, thích theo đuổi sự nghiệp hơn là xây dựng gia đình. Gánh nặng kinh tế, việc làm. Muốn theo đuổi con đường học vấn. Tập trung phát triển sự nghiệp. Mất niềm tin vào hôn nhân.

Hàng loạt lý do khiến ngày càng nhiều người trẻ kết hôn muộn, thậm chí không lập gia đình và sinh con. Lớn lên trong điều kiện kinh tế phát triển và môi trường có nhiều giá trị đa dạng hơn các thế hệ trước, Millennials (những người sinh từ năm 1981-1996) ở châu Á thời gian gần đây không còn coi việc kết hôn và sinh con là mục đích sống duy nhất.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của một tạp chí tài chính và trang web tuyển dụng, hiện gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi việc kết hôn là không cần thiết.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một người đàn ông Hàn Quốc trung bình dành 45 phút mỗi ngày cho các công việc không tên trong nhà như chăm sóc con cái, trong khi con số này ở phụ nữ gấp 5 lần. Điều này khiến nhiều phụ nữ xứ kim chi ngao ngán lắc đầu khi nhắc đến chuyện lập gia đình.

Theo kết quả khảo sát của Viện Tội phạm học Hàn Quốc vào năm ngoái, 80% nam giới được hỏi thừa nhận từng “động tay chân” với nửa kia.

Đối với Nhật Bản, dân số Nhật Bản đang già đi với tốc độ chưa từng thấy, đưa đất nước đến bờ vực của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, có tác động lâu dài đối với kinh tế – xã hội. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ước tính có 921.000 em bé ra đời trong năm 2018, ít hơn 25.000 so với năm ngoái và là con số thấp nhất từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1899. Năm 2018 cũng là năm thứ ba liên tiếp số ca sinh thấp dưới mức 1 triệu.

Trọng tâm của vấn đề này được cho là bắt nguồn từ việc thanh niên Nhật không muốn sinh con trong bối cảnh chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ, nền kinh tế bấp bênh và tỷ lệ kết hôn giảm sút.

Hiện nay, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc ở mức thấp nhất được ghi nhận: 5,5 trên 1.000 người, so với 9,2 năm 1970 và có rất ít trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ có Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Moldova có tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc là 1,2 trẻ em/phụ nữ. Tỷ lệ duy trì dân số ổn định là 2,1.

Một yếu tố khác khiến nhiều người ngại kết hôn là chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái. Ngoài học ở trường, phụ huynh sẽ phải cho con cái đi học thêm ở ngoài để theo kịp các bạn. Những nguyên nhân kể trên đã kết hợp tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. Từ “sampo” có nghĩa là từ bỏ 3 thứ: chuyện hẹn hò, hôn nhân và con cái.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng nói đến cưới xin, giới trẻ Nhật – Trung – Hàn thời nay còn không thèm hẹn hò