Gia tăng số ca ngộ độc rượu trong những ngày giáp Tết

PV|17/01/2017 10:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Tết nguyên đán 2017 đang đến gần, những ngày này tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, vào dịp trước và sau Tết, ngộ độc rượu cấp tính thường tăng 2-3 lần.

Tử vong vì rượu chứa cồn công nghiệp

Bác sĩ  Nguyên lo ngại, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận. Trong đó phải nói đến những bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) nguy hiểm hơn rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận, rất dễ dẫn đến tử vong. Những trường hợp này, nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng ở não bộ.

Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị. Đáng nói số bệnh nhân tăng lên vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, tết, có ngày 2-3 ca cấp cứu. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc rượu cồn công nghiệp.

Bác sĩ Nguyên lý giải, rượu cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu loại này có tác dụng tương tự như rượu thông thường (sản xuất từ cồn thực phẩm ethanol) nhưng vào cơ thể, cồn được chuyển hóa trở thành các a-xít gây tổn thương các tế bào đặc biệt là ở mắt, não gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác ở mắt nên gây mù vĩnh viễn. Với những bệnh nhân có biểu hiện như anh T. mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê thì đã nặng. Đó là nguyên nhân khiến bệnh nhân ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nếu không tử vong cũng hiếm có cơ hội hồi phục hoàn toàn mà sẽ chịu di chứng rất nặng nề: mù, mất trí nhớ. Rượu cồn công nghiệp dễ gây tử vong do gây sốc tụt huyết áp, tổn thương não…

6a_MQPP

Dịp giáp Tết, ngày nào Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cũng có bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu

Không lạm dụng chất giải rượu

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu vì không có một loại thuốc giải độc nào chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại. Trước thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic, thuốc giảm đau… để làm giảm đau đầu khi say, bác sĩ Nguyên cho biết, điều này dễ có hại cho gan vì Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá. Không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, cần phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng nhằm tránh hạ đường huyết. Trường hợp không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn rồi gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng số ca ngộ độc rượu trong những ngày giáp Tết