Giải mã nguyên nhân sạt lở đất bất thường liên tiếp xảy ra ở miền Trung?

Ngọc Mai|25/11/2020 03:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mưa bão khiến miền Trung như một “túi nước”, khu vực miền núi lượng nước lớn ứ lại trong kết cấu rỗng của lòng đất, chỉ cần có trận mưa lớn lập tức xảy ra sạt lở.

Cùng với “lũ chồng lũ” trong những tháng qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt điểm sạt lở đất, trong đó có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục người bị vùi lấp, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, khiến nhân dân cả nước xót thương.

Sau những tai họa ấy, câu hỏi đặt ra là tại sao sạt núi, trượt lở đất khủng khiếp lại liên tiếp xảy ra ở miền Trung như vậy và liệu nguy cơ sạt lở có còn xảy ra khi tình hình mưa bão vẫn đang tiếp diễn và khắp nơi đang chìm trong biển nước?

Đại diện Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam nói, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết bất thường gây mưa lớn, cùng các hoạt động nhân sinh như phá rừng, mở đường, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là trượt lở đất với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng.

Năm nay, tại các tỉnh miền Trung, do tác động của La Nina, mưa lớn kéo dài liên tục. Đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 10 năm nay, số lượng cơn bão đổ bộ vào miền Trung lập kỷ lục trong 37 năm qua. Kéo theo đó, sạt lở đất được nhận định là mạnh, khốc liệt và bất thường.

Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết, trượt lở xảy ra rộng khắp, tập trung trong một thời gian rất ngắn, ở khu vực miền núi các tỉnh Trung bộ, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn đến rất lớn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Quốc lộ 9, đoạn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sạt lở nghiêm trọng trong đợt lũ tháng 10-2020

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, số vụ sạt lở đất đá, đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tăng đột biến so với những năm trước.

Năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng trượt lở các vùng miền núi Việt Nam”, xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại 15 tỉnh, giúp các địa phương biết trước nguy cơ sạt lở đất.

Tuy nhiên, theo TS Hòa, cần nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ này trong thực tiễn. Cụ thể, đầu năm, đề án cần cử người đến các địa phương đã chuyển giao, một mặt xem địa phương gặp khó khăn gì khi sử dụng, mặt khác cập nhật thông tin về sạt lở đất đá ở địa phương, đưa ra những nhận định về tình hình trượt lở trong thời gian tới để đề xuất các kiến nghị cụ thể.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng. Đặc biệt cần phải đưa các kiến thức về phòng chống thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông. Rà soát, quy hoạch, bố trí lại khu dân cư, cơ sở hạ tầng… an toàn trước thiên tai.

Cần xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao. Tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác hơn. Đồng thời, cần rà soát và đánh giá để đưa ra tỉ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét. Bởi rừng có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm cũng như ổn định của các mái dốc sườn đồi.Với những con đường có nguy cơ trượt lở cao theo bản đồ điều tra hiện trạng cần lắp đặt hệ thống biển cảnh báo.

Ngọc Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải mã nguyên nhân sạt lở đất bất thường liên tiếp xảy ra ở miền Trung?