Giải quyết ô nhiễm vùng ven các khu công nghiệp: Quá nhiều nghịch lý

Theo SKĐS|21/12/2016 10:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đúng như những gì vẫn thường được dạy ở những sách giáo khoa, đất nông nghiệp, nước biển ở ta trù phú, ban đầu là rất tốt cho đủ các loại hình cấy hái, nuôi trồng. Tuy nhiên, việc ồ ạt phát triển các khu công nghiệp (KCN) mà quản lý chất thải lỏng lẻo, đang là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Đánh đổi và trả giá

Những con số tích cực của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, những con số về việc tăng tiến, liên tục lấp đầy các KCN. Rồi số lượng người lao động có việc làm kéo theo kinh tế địa phương phát triển. Thử hỏi đã bao giờ người ta thử đặt lên bàn cân giữa một bên là các con số “đáng mừng” đó, và bên kia là số tiền cũng như thời gian cần để khắc phục những hậu quả môi trường của cái sự đáng vui kia đem đến. Chỉ một ví dụ đơn giản thôi, thời gian để xây dựng một nhà máy, KCN có thể tính bằng năm, còn để những mảnh đất “chết” tự hồi sinh thì phải mất hàng thế kỷ.

nhng_dong_song_ang_cht_dn_vi_b_tm_c_t_nc_thi_cong_nghip

Những dòng sông đang chết dần vì bị đầu độc từ nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.

Cảnh báo của TS. Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng như lời “tiên tri” đương nhiên phải đúng. Ông cho rằng nếu cứ tiếp tục lỏng lẻo trong quản lý xả thải, nhiều vùng đất nông nghiệp ven đô thị, khu công nghiệp (KCN) đang có nguy cơ trở thành “đất chết”.

Khu vực đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc nước ta trước đây độ phù sa, hàm lượng dinh dưỡng rất cân đối, tuy nhiên, hiện nay đều đang trong tình trạng bị suy thoái. Nguyên nhân từ sự rửa trôi ở miền núi, đặc biệt là một diện tích rất lớn đất nông nghiệp ven đô thị, ven các KCN đang “ngấm độc” nghiêm trọng do ô nhiễm từ xả thải. Nguy cơ nhất là tích lũy cacbon, tích lũy các độc tố, nhất là kim loại nặng rất cao. Đây là những khu vực mà đất nông nghiệp đang bị tổn thương nghiêm trọng và việc phục hồi lại chất lượng đất như ban đầu sẽ vô cùng khó khăn.

Nhìn chung, hầu hết quanh các làng nghề, nhà máy, KCN, khu đô thị mọc tới đâu thì đất nông nghiệp xung quanh gần như bị ảnh hưởng nặng nề tới đó. Điển hình như đất ven các làng nghề mạ kim loại ở Bắc Ninh, các khu vực huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Trì, Thường Tín, Quốc Oai… Một khu vực rộng lớn đất nông nghiệp dọc hai bên hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội, kéo dài xuống tới Hà Nam cũng bị ô nhiễm.

Đặc biệt, sông Nhuệ hiện nay có mức độ ô nhiễm cực kỳ cao do chảy qua khu vực có mật độ dày đặc các nhà máy, làng nghề, như dệt, nhuộm, luyện kim, nhà máy sơn, pin, làng nghề, các lò giết mổ… Các nghiên cứu cho thấy không sinh vật nào có thể sống được ở hệ thống sông này. Vậy mà, đây lại là các hệ thống sông đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho một vùng nông nghiệp rất rộng lớn thuộc nhiều tỉnh.

Càng tăng trưởng, càng lo!?

Đáng lo ngại là việc sử dụng nước sông bị ô nhiễm nặng để phục vụ canh tác nông nghiệp trong ngắn hạn thì chưa thể hiện rõ, thậm chí nhờ ô nhiễm hữu cơ (nhất là chất thải hữu cơ từ các lò mổ, làng nghề chế biến thực phẩm như dong riềng, bột sắn…) giàu cacbon, giàu đạm nên cây trồng có thể tốt nhanh hơn khi sử dụng các loại nước này để tưới, nhưng song song là nguy cơ ô nhiễm trên rau, củ… về một số vi khuẩn độc hại như E.coli, Coliform…, đồng thời khiến đất không thể sản xuất như cũ được nữa. Chưa hết, ô nhiễm hữu cơ không nguy hiểm bằng các yếu tố vô cơ, nhất là kim loại nặng theo năm tháng sẽ dần tích lũy trong đất, kéo theo lượng tồn dư kim loại nặng trong sản phẩm cây trồng theo đó cũng sẽ tăng lên.

Ngoài đất, ô nhiễm môi trường nước cũng bắt nguồn chính từ nước thải công nghiệp. Hậu quả của ô nhiễm không còn nằm trong dự báo, mà từ những con số thực tế. Nhiều nơi, chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như BOD5, COD, NH4, SS cùng các chất dinh dưỡng chứa nitơ, phốt pho, coliform… đo được trong nước đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước. Mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này cao nhất nước, nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn xảy ra. Ô nhiễm do nước thải công nghiệp kết hợp với nước thải đô thị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều kênh rạch ở vùng ven TP. Hồ Chí Minh như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ…

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp và khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 các ngành công nghiệp điện tử, hóa chất, lọc hóa dầu, luyện kim sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đây là các ngành không chỉ phát sinh khối lượng lớn chất thải mà còn gây nguy cơ cao đối với môi trường và sức khỏe do chất thải chứa hàm lượng lớn các chất có độc tính cao. Nếu các nhà quản lý, hoạch định chiến lược không nhanh chóng và kiên quyết, câu chuyện “quýt làm, cam chịu” sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Theo SKĐS


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết ô nhiễm vùng ven các khu công nghiệp: Quá nhiều nghịch lý